Theo nhà văn hóa dân gian, Trần Hữu Sơn, ngày xưa, Giao thừa còn được gọi là Lễ trừ tịch. Trừ tịch là ngày diệt trừ ma quỷ trong văn hoá phương Đông. Trừ tịch là giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp qua năm mới. Vào thời điểm quan trọng này, người Việt Nam thường có tục lệ lễ cúng trong nhà và ngoài trời.
Ý nghĩa của lễ cúng Giao thừa là mong muốn xoá bỏ mọi xui xẻo, khó khăn của năm cũ, chào đón niềm vui, may mắn khi bước sang năm mới.
(Ảnh minh họa).
Theo TS. Trần Hữu Sơn, những lễ vật có trên mâm cúng sẽ tượng trưng cho kết quả làm ăn trong suốt 1 năm qua, cũng như thể hiện tấm lòng thành của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Tùy vào văn hóa từng vùng miền, từng khu vực mà mâm cỗ cúng có sự khác nhau ít nhiều.
Ở miền Nam, mâm cỗ Giao thừa thường có nhiều đồ nguội do thời tiết nắng nóng: đĩa ngũ quả, hoa vạn thọ, hai cây nến, lư hương, giấy tiền vàng bạc và một trái dừa tươi đã chặt sẵn. Nếu đầy đủ hơn thì gia chủ nên chế biến thêm thủ lợn luộc, gà luộc, xôi, bánh chưng, chè….
Ở miền Trung, mâm cỗ có cả bánh chưng, bánh tét và nhiều món ăn khác như: dưa món, giò lụa Huế, thịt đông, bát ninh măng khô, cá chiên hay đĩa ram… Ở một số nơi, người ta còn làm cả các món cuốn diếp gỏi ngó sen, gỏi bao tử, bánh răng bừa hay xà lách gân bò, chả tôm, nem lụi… để dâng lên tổ tiên ngày Tết.
Với người miền Bắc, mâm cỗ cúng Giao thừa cũng có các món ăn trong đời sống hàng ngày như bánh chưng, giò chả, đĩa xào, bát canh,… Những món ăn này không cần quá cầu kỳ, nhưng nhất thiết phải sạch và chỉ cần một chút để bày cho đẹp. Đặc biệt, mâm cúng không thể thiếu 1 con gà trống luộc.
Ngoài ra, lễ mặn hoặc ngọt tùy theo gia chủ chuẩn bị nhưng mâm cúng lễ phải đầy đặn, bày biện cẩn thận để mang ra ngoài mộ hoặc bày lên bàn thờ gia tiên.
Lễ vật cúng Giao thừa gồm:
- Gà trống tơ luộc
- Bánh chưng (miền nam không có cũng được)
- Xôi (gấc)
- Trái cây (chuối,quít...)
- Đèn nến
- Vàng mã (ra tiệm vàng mã hỏi cúng trừ tịch hay cúng Giao thừa)
- Trầu cau (không có cũng được)
- Rượu/trà (rượu trước sau đến trà)
- Một chiếc mũ chuồn mua của hàng mã (giống trong Tuồng Chèo), chính là mũ để cúng tế vị thần.
- Nhang đèn.
Những lễ vật này cần được chuẩn bị từ trước thời điểm Giao thừa. Chúng được đặt trên bàn hay mâm lớn kê trên một cái đôn (không để trên mặt đất). Tới đúng thời điểm Giao thừa, người dân thắp đèn, hương. Nếu có chuẩn bị văn khấn trên giấy để đọc thì sau khi đọc xong, người ta đốt ngay cùng với tiền, vàng dâng cúng.
Đặc biệt, theo phong tục từ cổ xưa, mọi nhà đều cúng lễ ngoài trời và cúng lễ trong nhà.
Lễ cúng Giao thừa ngoài trời gồm: ngũ quả, hương, hoa, đèn nến, trầu cau, muối gạo, trà, rượu, quần áo và mũ nón mũ thần linh, mâm lễ mặn với thủ lợn luộc, gà trống luộc, xôi, bánh chưng… nếu là phật tử có thể cúng mâm lễ chay. Tất cả được bày lên bàn trang trọng đặt ở trước cửa nhà.
Vào đúng thời điểm Giao thừa, người chủ gia đình phải thắp đèn, nến, rót rượu, rót trà, rồi khấn vái…
Bài văn khấn cúng Giao thừa trong nhà theo sách Văn khấn nôm truyền thống:
Nam mô A di đà Phật (3 lần)
Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương
Con kính lạy Đức Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật
Con kính lạy Đức Bồ-tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ chúng sinh
Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị tôn thần
Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ hổ, Long mạch, Táo quân, chư vị Tôn thần.
Con kính lạy các cụ tổ tiên nội - ngoại chư vị tiên linh
Chúng con là:…
Ngụ tại:….
Phút Giao thừa vừa tới, nay theo vận luật, tống cựu nghênh tân, giờ Tý đầu xuân, đón mừng Nguyên đán, chúng con thành tâm, tu biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, cúng dàng Phật- Thánh, dâng hiến tôn Thần, tiến cúng Tổ tiên, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời:
Ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, Hỷ Thần, Phúc đức chính Thần, ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch Tài Thần, các ngài bản gia Táo phủ Thần quân và chư vị Thần linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin giáng lâm trước án, thụ hưởng lễ vật.
Con lại kính mời, các cụ tiên linh, Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, Bá thúc đệ huynh, Cô di tỷ muội, nội tộc, ngoại tộc, chư vị hương linh, cúi xin giáng phó linh sàng hâm hưởng lễ vật. Tín chủ lại kính mời các vị vong linh tiền chủ, hậu chủ, y thảo thụ mộc ở trong đất này, nhân tiết Giao thừa, giáng lâm trước án, chiêm ngưỡng tân xuân, thụ hưởng lễ vật.
Nguyện cho chúng con, tân niên khang thái, ngày đêm tốt lành, thời thời được chữ bình an, gia đạo hưng long, thịnh vượng.
Giải tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Phục duy cẩn cáo!
DIỆU THU