Người biểu tình chứng kiến kết quả bỏ phiếu của Quốc hội Gruzia hôm 28/5.
Quốc hội Gruzia hôm 28/5 đã bác phủ quyết của Tổng thống Salome Zourabichvili về đạo luật "đặc vụ nước ngoài" gây tranh cãi, theo báo Nga RT.
Tổng cộng có 84 trong số 150 nghị sĩ bỏ phiếu bác phủ quyết của Tổng thống Zourabichvili. Chỉ 4 nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ lập trường của Tổng thống trong khi các nghị sĩ còn lại bỏ ra ngoài, tham gia biểu tình cùng đám đông tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội.
Theo quy định của Gruzia, Quốc hội có quyền bác phủ quyết của tổng thống nếu đạt đủ 76 phiếu thuận.
Đạo luật "đặc vụ nước ngoài" hay còn gọi là đạo luật minh bạch về ảnh hưởng của nước ngoài do chính phủ Gruzia đề xuất, yêu cầu các tổ chức, cơ quan truyền thông và cá nhân nhận hơn 20% nguồn tài trợ từ nước ngoài phải đăng ký với tư cách là tổ chức “thúc đẩy lợi ích của thế lực bên ngoài” và buộc phải tiết lộ các nhà tài trợ.
Phe chỉ trích dự luật ở Gruzia, bao gồm phe đối lập trong Quốc hội và Tổng thống Zourabichvili, nói đạo luật giống với quy định có hiệu lực ở Nga vào năm 2012.
Dự luật được Quốc hội Gruzia thông qua vào ngày 14/5 nhưng bị Tổng thống Zourabichvili bác bỏ sau đó 4 ngày. Ở Gruzia, vai trò của Tổng thống chỉ mang ý nghĩa biểu tượng. Quyền lực tập trung vào Thủ tướng Irakli Kobakhidze, người cũng là Chủ tịch đảng cầm quyền và là lãnh đạo phe đa số trong Quốc hội.
Liên minh châu Âu (EU) đã có phản ứng ngay sau khi Quốc hội Gruzia bác phủ quyết của Tổng thống Zourabichvili. "EU vô cùng lấy làm tiếc vì Quốc hội Gruzia đã quyết định bác bỏ phủ quyết của Tổng thống đối với luật minh bạch về ảnh hưởng của nước ngoài, đồng thời coi thường khuyến nghị của EU về việc bãi bỏ luật này", người phát ngôn về đối ngoại của EU, ông Peter Stano cho biết.
EU đã nhiều lần nhấn mạnh rằng luật được Quốc hội Gruzia thông qua đi ngược lại các nguyên tắc và giá trị cốt lõi của liên minh. EU nhấn mạnh đạo luật sẽ "ảnh hưởng tiêu cực tới tiến trình gia nhập EU của Gruzia"
"Chúng tôi kêu gọi Gruzia đảo ngược xu hướng này và kiên quyết quay trở lại con đường gia nhập EU. Vẫn còn thời gian để thay đổi nhưng đồng thời cần có những cam kết mạnh mẽ", tuyên bố của EU cho biết. "EU và các nước thành viên đang xem xét tất cả các phương án để đối phó với diễn biến mới ở Gruzia".
Mỹ chưa đưa ra phản ứng. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cảnh báo sẽ áp đặt trừng phạt quan chức Gruzia và những người ủng hộ dự luật. Đây được coi là một bước ngoặt lớn trong chính sách của Mỹ đối với quốc gia từng được coi là thân phương Tây nhất kể từ khi Liên Xô tan rã.
Chính phủ Gruzia hiện tại duy trì lập trường trung lập trong cuộc xung đột ở Ukraine. Thủ tướng Gruzia Kobakhidze từng tuyên bố quốc gia "không muốn trở thành Ukraine thứ hai".
Đăng Nguyễn - RT