Lên đài hương điểm cao 468 xã Thanh Thủy, Vị Xuyên gặp hàng trăm lượt người thay nhau xếp hàng lên viếng các liệt sĩ.
Nơi đây, từ năm 1984 tới 1989 được mệnh danh là “lò vôi thế kỷ” với những trận pháo khủng khiếp ngày đêm khiến núi đá vôi ở đây biến thành... vôi bột. Mảnh đất này đã phải hứng chịu nhiều trận đại bác.
Hàng ngàn liệt sĩ nằm lại nơi này, hóa thành trời xanh mây trắng.
Và chúng ta đã làm ở đây một đài hương, đài kỷ niệm để nhân dân, và nhất là thân nhân liệt sĩ về đây thắp hương cho liệt sĩ.
Tôi đã rưng rưng nước mắt khi chứng kiến đại gia đình mẹ Tống Thị Chua 95 tuổi tới viếng liệt sĩ Nguyễn Văn Phước là con mẹ Chua, sinh 1966, quê Ninh Bình, hy sinh ngày 28/4/1984. Tất nhiên mẹ không đi được, có anh trai của liệt sĩ và con cháu gần hai chục người thuê xe tới viếng anh Phước và các đồng đội của anh nằm đâu đó ở những đỉnh núi nhọn hoắt xung quanh.
Có khá đông cựu chiến binh trở lại đây những ngày này, họ sẵn sàng kể cho mọi người tới đây câu chuyện của chính họ. Tôi lại cũng gặp những khuôn mặt nhòe nhoẹt nước mắt. Cả người kể và người nghe.
Tôi cũng vào thăm cựu chiến binh Bùi Mạnh Hùng hiện đang sống tại thành phố Hà Giang. Anh Hùng chưa đầy một tuổi quân, được cử đi cùng anh Hoàng Văn Phú và gặp địch. Từ chốt Cò Súng về đồn Lũng Làn lĩnh gạo, thấy toàn quân áo xanh, tưởng công nhân ta, té ra là lính Trung Quốc. Bắn nhau, hết đạn dùng lê và cả tay không. Anh Phú bị bắn chết, anh Hùng bị thương. Một chiến sĩ nữa hy sinh là anh Trí, người Mường ở Thanh Sơn, Phú Thọ, khi ấy vừa tròn 17 tuổi.
Báo TN đã đăng kỳ một về chuyện ly kỳ tìm mộ liệt sĩ Hoàng Văn Phú, và chuyến đi này của chúng tôi cũng là để vừa chứng kiến vừa giúp thân nhân liệt sĩ Phú nhận mộ anh.
Anh Mai Thanh Hải và một số đồng nghiệp báo Thanh Niên là người có công tim ra liệt sĩ Phú. Anh Hải là người chuyên kết nối những cuộc như thế này, một mặt do anh là phóng viên chuyên trách mảng quốc phòng an ninh, mặt nữa là anh nhiệt tình, và có thể thêm một điều nữa, anh dường như có thể linh cảm phát hiện ra những điều nhiều người đang tìm kiếm. Mới nhất anh là người kết nối tìm ra “Cô bộ đội cùng em bé trong tấm hình lịch sử được chụp tháng 2/1979 ở mặt trận Cao Bằng” và đã tổ chức cho họ gặp nhau ngày 28/2 khiến nhiều người rất xúc động. Bức ảnh do phóng viên Mạnh Thường chụp.
Trở lại chuyện anh Hải phát hiện ra liệt sĩ Phú.
Năm 1976, chiến sĩ Hoàng Văn Phú (quê Trùng Khánh, Cao Bằng) nhập ngũ vào bộ đội Biên phòng Cao Bằng, đóng quân tại đồn Biên phòng Cốc Pàng (Bảo Lạc, Cao Bằng), giáp với tỉnh Hà Giang.
Năm 1978, tình hình biên giới căng thẳng, Hà Giang và Cao Bằng lập chốt hỗn hợp quản lý khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh, gồm bộ đội đồn Biên phòng Cốc Pàng (Cao Bằng) và Lũng Làn (nay là Sơn Vĩ) tại thôn Cò Súng. Anh Phú phụ trách lực lượng Cao Bằng tại chốt.
Sáng 5/3/1979, anh Phú dẫn 3 chiến sĩ về đồn Lũng Làn (nay là Sơn Vĩ) lấy gạo. Dọc đường gặp quân Trung Quốc như đã kể ở trên. Do điều kiện chiến tranh, đường sá cách trở, nên liệt sĩ Hoàng Văn Phú được chôn cất tại Lũng Làn. Sau năm 1991, phần mộ liệt sĩ Phú được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ huyện Mèo Vạc của Hà Giang trong khi anh thuộc quân số Cao Bằng.
Liệt sĩ Hoàng Văn Phú là con thứ 4 trong gia đình. Anh trai anh Phú hy sinh năm 1970 tại Tây Nguyên, vẫn chưa tìm được hài cốt. Năm 2014, mẹ liệt sĩ Phú được Chủ tịch nước truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Tháng 2/1979, khi chiến tranh biên giới nổ ra, gia đình liệt sĩ Phú ở giáp biên giới, gần đường tiến công của địch, nên đã sơ tán về phía sau. Cuối năm 1979, gia đình nhận được giấy báo tử, chỉ ghi chung chung, nên cũng không biết địa điểm mộ chí..
Năm 1988, do chiến sự kéo dài, điều kiện ở khu vực sơ tán quá khó khăn, nên gia đình vào Tây Nguyên lập nghiệp. Do tự đi, nên chính quyền không biết cư trú tại đâu…
Nhà báo Mai Thanh Hải kể: “Chiều ấy, có điều gì rất lạ như giữ chân chúng tôi, dừng lại trước phần mộ liệt sĩ Hoàng Văn Phú bia ghi sơ sài, nằm cuối nghĩa trang liệt sĩ huyện Mèo Vạc, Hà Giang. Người quản trang kể: "Cả nghĩa trang, mỗi liệt sĩ này ở Cao Bằng và mấy chục năm nay, không người thân viếng thăm"…
Và từ những thông tin hết sức ít ỏi ấy, anh đã dò tìm thì biết gia đình liệt sĩ Phú hiện đang ở xã Ea Phê, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk và tìm gặp gia đình, thông báo về trường hợp hy sinh, nơi an táng liệt sĩ Phú. Gia đình rất mừng, bởi 44 năm nay đã tìm mọi cách dò hỏi, tìm kiếm và mong muốn được ra Hà Giang nhận mộ liệt sĩ nhưng không biết thông tin lẫn địa chỉ cụ thể. Như đã nói, việc cả gia đình lẫn đơn vị không tìm ra nhau để thông tin về nơi an táng liệt sĩ Phú do những yếu tố khách quan rất không ngờ.
Thân nhân liệt sĩ Phú gồm anh Hoàng Văn San - cháu ruột và chị Bào Thị Niềm, cháu dâu, vợ anh San là 2 người đang thờ cúng liệt sĩ Phú, được trợ giúp của báo TN, bay từ Buôn Ma Thuột ra Nội Bài sáng ngày 25/7, và đi tiếp xe lên Hà Giang để kịp ngày 27/7 lên Mèo Vạc làm lễ tưởng niệm, và gia đình nhận mộ liệt sĩ Phú.
Tôi may mắn sẽ là người có mặt để chứng kiến cuộc trùng phùng đẫm nước mắt và chắc chắc sẽ rất xúc động này. Rất tiếc anh trai liệt sĩ do bị bệnh đã không thể ra nên đành giao việc này cho con trai và con dâu. Và sau sự mừng là tìm ra liệt sĩ Phú, gia đình vẫn còn liệt sĩ Hoàng Văn Sảng hy sinh ở Tây Nguyên chưa có thông tin gì, nhân đây gia đình nhờ ai có thông tin cung cấp giúp.
Sáng sớm ở Hà Giang, tôi dậy và ngắm những ngọn núi cao nhọn hoắt trắng sương mù. Nhà báo Phạm Đương nói, sao nó giống những vành khăn tang. Ừ, chả hiểu sao những ngọn núi hiền lành đẹp thế lại từng là chiến địa đẫm máu một thời, để giờ đồng nghiệp tôi nhìn nó ví như dải khăn tang.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.