Trước tình hình diễn biến dịch bệnh quay lại phức tạp, theo ghi nhận của PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã chủ động kiểm soát dịch bệnh ngay từ khâu tiếp đón, phân luồng bệnh nhân.
Trao đổi với PV, GS.TS Lê Trung Hải, Giám đốc chuyên môn bệnh viện Đa khoa Hà Nội cho biết, bệnh viện đã có những cuộc họp bàn từ rất sớm, có phương hướng phòng chống dịch cụ thể theo quy định của bộ Y tế và sở Y tế Hà Nội.
Ông Hải thông tin: "Chúng tôi chú trọng nhất ở khâu giám sát, sàng lọc từ người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế, những người ra vào bệnh viện. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn cũng được nâng lên một nấc nữa từ diện bề mặt, không khí và tất cả các trang thiết bị. Các bệnh nhân có bệnh lý nền như bệnh thận, tăng huyết áp, tiểu đường… cũng được kiểm soát tốt và điều trị hỗ trợ".
Theo ông Hải, bệnh viện nhanh chóng thành lập chốt kiểm dịch y tế và phân luồng khám bệnh.
Ngoài việc nhắc nhở người bệnh đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt còn tiến hành rà soát nhanh thông tin dịch tễ đối với 100% người đến bệnh viện.
“Với các khách hàng có triệu chứng nhiễm SAR-CoV-2 như: Ho, sốt, thân nhiệt cao… kèm các yếu tố dịch tễ khác sẽ được di chuyển bằng xe chuyên dụng sang bệnh viện phân tuyến tiếp nhận người bệnh nghi nhiễm theo quy định”, ông Hải cho biết.
Ngoài ra, để hỗ trợ bệnh nhân khám chữa bệnh trong thời kỳ có dịch, ông Hải cho hay bệnh viện cũng tăng cường đường dây nóng để người bệnh có thể xin tư vấn chuyên môn từ các chuyên gia hoặc đặt lịch khám nhanh để giảm thời gian chờ đợi.
Bên cạnh đó, ghi nhận của PV tại một số bệnh viện như: Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, bệnh viện Phụ sản Trung ương, bệnh viện Bạch Mai… đều tiến hành phân luồng, giám sát người bệnh bằng cách yêu cầu người ra vào bệnh viện phải khai báo y tế, đồng thời sát khuẩn tay, đo thân nhiệt… Mỗi một người bệnh chỉ có một người nhà đi cùng…
Phía bệnh viện Bạch Mai cũng thông tin về việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19, hiện tại bệnh viện Bạch Mai đang kiểm soát rất chặt chẽ tất cả những người ra/vào bệnh viện, bao gồm: khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang đầy đủ...
Toàn bộ cán bộ nhân viên, người bệnh, người nhà người bệnh đều phải thực hiện tốt các quy định phòng dịch như: đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, sát khuẩn bề mặt,…
Những người bệnh có biểu hiện: Ho, sốt đang điều trị tại bệnh viện thì đều được làm xét nghiệm PCR với Covid-19; không chỉ làm 1 lần mà bệnh viện chủ động làm nhiều lần để đảm bảo không bỏ sót chẩn đoán.
Bệnh viện đã bố trí 1 khu riêng biệt (cạnh cổng số 2 của bệnh viện), nhằm đảm bảo các tiêu chí an toàn về phòng dịch để khám sàng lọc cho các trường hợp nghi ngờ, có dấu hiệu dịch tễ...
Tất cả các khoa/phòng trong bệnh viện đều có phòng cách ly dành cho các bệnh nhân nghi ngờ trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm Covid-19, nhằm tránh tối đa việc lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Chia sẻ thêm với PV, anh Nguyễn Văn Chiến (Nam Định) đưa người thân khám tại bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết: “Do tình hình dịch bệnh Covid-19, nên tôi cũng như những người thân của các bệnh nhân khác đều chấp hành nghiêm quy định của bệnh viện. Thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt và khai báo y tế, đồng thời cũng tránh tụ tập quá đông người. Tôi cho rằng những biện pháp phòng, chống dịch tại bệnh viện như vậy là cần thiết, kịp thời để có thể sàng lọc, kiểm soát được người ra vào bệnh viện”.
"Chung sống an toàn với dịch"
Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 14/8, đánh giá diễn biến dịch bệnh trong cả nước, Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định: Có thể từ giờ trở đi chúng ta sẽ “không còn những khoảng thời gian yên bình như trước nữa”. Không thể đòi hỏi trên cả nước tuyệt đối không có dịch. Bởi nguy cơ dịch bệnh là thường trực ở tất cả các địa phương. Hôm nay dịch bệnh Covid-19 có thể bùng phát ở tỉnh này, ngày mai có thể xuất hiện ở địa phương khác…
Ban Chỉ đạo khẳng định Phương châm phòng chống dịch của chúng ta là: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch thực hiện từ đầu đến giờ vẫn không thay đổi. Trong bối cảnh dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ, chúng ta phải triển khai đồng bộ các biện pháp để “chung sống an toàn với dịch”.