Đó là chia sẻ của bà Hạnh, người bán cau tươi trên phố Hàng Bè (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ngay từ sáng sớm, hàng bán cau tươi của bà Hạnh đã đón hàng chục khách đến mua hàng, toàn bộ đều là người quen.
Những quả cau to, tròn được bán kèm lá trầu tươi, buộc nơ đỏ rất bắt mắt. Tuy nhiên, khi nghe báo giá, ai cũng sửng sốt khi biết giá lên tới 30 nghìn đồng/quả.
Cau tươi kem lá trầu được bán với giá 30 nghìn đồng/quả ngày rằm tháng Giêng.
Theo bà Hạnh, từ ngày lễ ông Công ông Táo đến giờ, giá cau tươi tăng gấp đôi so với ngày thường. Bình thường, giá chỉ 5.000 đồng/quả nhưng gần Tết, giá lên tới 10-15 nghìn đồng/quả, riêng hôm nay quả to là 30 nghìn đồng/quả, quả nhỏ là 25 nghìn đồng.
“Cau năm nay đắt mà mua khó lắm. Tôi mua buồng cau này 4 triệu đồng đấy. Mua buôn cả buồng đã 20-25 nghìn đồng/quả rồi, đếm từng quả rồi tính tiền. Toàn khách quen ai muốn bán đắt đâu”, bà Hạnh nói.
Cũng bán cau tươi kèm với mẹt hoa cúng và hoa bưởi trên phố Cầu Gỗ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Hợp cho biết, mẹt hoa cúng rằm chị vẫn bán với giá 150 nghìn đồng/mẹt, hoa gói 50 nghìn đồng/gói, giá không đổi so với mọi ngày. Riêng cau tươi thì tăng gấp 3 lần.
Là loại quả không thể thiếu trong mâm lễ cúng rằm tháng Giêng nên dù lên tới 30 nghìn đồng/quả nhưng cau tươi vẫn hút khách mua.
Theo chị Hợp, cau tươi chị đang bán theo set 1 quả, 3 quả và 5 quả, mỗi quả có giá 30 nghìn đồng. Vì giá cau tươi nhập vào cao, chị Hợp chỉ dám mua vài chục quả bán kèm cho khách mua hoa, không dám nhập nhiều.
Nguyên nhân giá cau tươi đắt là do năm nay sương muối nhiều nên cau khó đậu quả, chưa kể vì năm trước có 2 tháng 2 nên cây cau ra hoa đậu quả sớm. Đến thời điểm hiện tại những buồng cau có quả to, đẹp có rất ít nên đẩy giá lên cao.
Bà Hạnh phải mua buồng cau với giá 4 triệu đồng để bán lẻ từng quả cho khách.
Vừa trả tiền cho chùm cau 3 quả với giá 90 nghìn đồng, chị Đặng Nhung, trú tại Cửa Nam (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, bình thường 3 quả cau này chị chỉ mua với giá 15 nghìn đồng, riêng hôm nay giá cao gấp 7-8 lần nhưng chị vẫn phải mua về thắp hương.
“Trầu cau là lễ vật không thể thiếu trong các dịp lễ, tuần rằm nên đắt đến mấy cũng phải sắm cho đầy đủ. Nhưng mà năm nay đắt quá, tôi hỏi giá xong giật cả mình, phải hỏi lại vì nghĩ mình nghe nhầm”, chị Nhung cho biết.
Thông thường, chị Nga, trú tại Đống Đa (Hà Nội) mua cau tươi kèm lá trầu, vỏ chay có giá chỉ 5 nghìn đồng/quả nhưng hôm nay, chị “choáng váng” khi một quả cau lên tới 30 nghìn đồng, tức là gấp 6 lần ngày thường.
“Tôi cứ nghĩ cau tươi hôm nay đắt là ở cái nơ đỏ buộc vào, ai ngờ bảo người bán là tôi không cần nơ mà họ vẫn báo giá 150 nghìn đồng cho chùm cau 5 quả. Choáng quá nhưng hỏi rồi không lẽ tiếc tiền không mua thì không hay mấy nên đành “bấm bụng” mua về”, chị Nga cho hay.
Trong văn hoá dân gian, rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu được coi là ngày lễ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, như một sự khởi đầu may mắn và tốt lành cho năm mới.
Vào ngày này, các gia đình thường sửa soạn lễ cúng dâng lên tổ tiên để bày tỏ lòng biết ơn và mong muốn một năm mới an lành, thịnh vượng. Vì vậy, thị trường mua bán vào ngày này cũng trở nên sôi động, nhộn nhịp hơn ngày thường.
Mẹt hoa cúng rằm có giá 150 nghìn đồng hút khách ngày rằm.
Theo quan sát của PV, ngoài cau tươi có giá tăng gấp nhiều lần so với ngày thường thì các loại hoa quả ngày rằm có giá khá ổn định so với trước Tết.
Cụ thể, ổi có giá 20 nghìn đồng/kg, xoài cát có giá 45 nghìn đồng/kg, thanh long trắng có giá 40-45 nghìn đồng/kg, cam bóc có giá 30 nghìn đồng/kg.
Các loại hoa tươi cũng có giá chỉ từ 3-5 nghìn đồng/bông. Riêng hoa hồng cành lộc hôm nay được bán với giá 15 nghìn đồng/cành, đắt hơn từ 7-10 nghìn đồng/cành so với ngày thường.
Hồng Cảnh