Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 trên địa bàn Hà Nội tăng 0,91% so với tháng trước, tăng 2,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,21% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân quý I/2022 tăng 2,66% so với bình quân cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng khá cao.
Trong tháng, 10/11 nhóm hàng có chỉ số CPI tăng so với tháng trước. Cụ thể, nhóm giao thông tăng 4,52% (tác động làm tăng CPI chung 0,44%) chủ yếu do giá xăng, dầu tăng cao (xăng tăng 13,28%; dầu diezel tăng 18,25%). Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,7% (tác động làm tăng CPI chung 0,35%) do ảnh hưởng của giá gas và dầu thế giới trong tháng tăng cao (gas tăng 8,61%; dầu tăng 18,31%), bên cạnh đó, chi phí vận chuyển tăng nên giá vật liệu xây dựng cũng tăng 1,15%.
Nhóm giáo dục tăng 0,69% do trong tháng các trường học đã cho học sinh đi học trực tiếp nên mức thu học phí tăng lên. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,22% vì đang là thời điểm giao mùa, đồng thời, học sinh, sinh viên quay trở lại trường nên nhu cầu may mặc tăng cao. Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,08%; nhóm bưu chính - viễn thông tăng 0,2%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,76%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,04%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,08%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,1%.
Riêng nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,44% so với tháng trước.
So với tháng trước, chỉ số giá vàng tăng 3,59% và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,63%.
Tăng trưởng kinh tế trên cơ sở thích ứng an toàn
Năm 2022, thành phố phấn đấu tăng trưởng GRDP từ 7-7,5%; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2022 tăng 10%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%. Để phục hồi tăng trưởng kinh tế, Ủy ban Nhân dân thành phố đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thúc đẩy phục hồi, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại, các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối trên địa bàn; tăng sức mua của thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.”
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển mới ba trung tâm thương mại, 10 siêu thị, 100 cửa hàng tiện lợi để phấn đấu giá trị gia tăng ngành bán buôn, bán lẻ tăng từ 7,4-8%.
Ngành công thương tập trung phát triển các loại hình thương mại văn minh, hiện đại, đáp ứng xu thế phát triển như mô hình Outlet, máy bán hàng tự động; phát triển từ 20-30 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn, góp phần đưa ngành thương mại trở thành ngành có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ của Hà Nội.
Thành phố cũng sẽ tổ chức các phiên chợ Việt và chuyến bán hàng Việt tại các khu, cụm công nghiệp góp phần ổn định sản xuất kinh doanh, cung-cầu hàng hóa.
Đồng thời, thúc đẩy phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở bảo mật, an toàn thông tin; kết hợp hài hòa giữa kinh doanh thương mại truyền thống với kinh doanh trên môi trường mạng; phấn đấu doanh số thương mại điện tử chiếm 11% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.
Thành phố phấn đấu giá trị gia tăng ngành vận tải và kho bãi tăng 7,5-8,5%. Đặc biệt, ngành giao thông tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc kê khai giá, niêm yết giá tất cả các loại hàng hóa thuộc lĩnh vực giao thông vận tải của các đơn vị kinh doanh vận tải đảm bảo đúng giá niêm yết.
Đối với lĩnh vực du lịch đang được thành phố chú trọng phát triển sau khi mở cửa đón khách quốc tế và nội địa. Ủy ban Nhân dân giao Sở Du lịch xây dựng và triển khai Đề án chuyển đổi số ngành du lịch thủ đô; nâng cao chất lượng phục vụ và ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác quản lý, phục vụ khách du lịch, đảm bảo các điều kiện, phương án và lộ trình sẵn sàng mở cửa đón khách du lịch quốc tế; phấn đấu giá trị gia tăng dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng khoảng 3,0-5,4%...