Hà Nội chuyển cấp độ dịch có ảnh hưởng đến việc học sinh trở lại trường?

Hà Nội chuyển cấp độ dịch có ảnh hưởng đến việc học sinh trở lại trường?

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 4, 03/11/2021 07:59

Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, việc Hà Nội chuyển đổi cấp độ dịch từ “xanh” sang “vàng” là bước cần thiết để Hà Nội nhìn nhận, đánh giá lại các tiêu chí cấp độ dịch.

Chuyển cấp độ dịch để rà soát lại tình hình

Ngày 1/11, Hà Nội chuyển từ cấp độ 1 (vùng xanh, tức bình thường mới) lên cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình) vì ghi nhận nhiều ca Covid-19 ngoài cộng đồng thời gian gần đây.

Thông tin Hà Nội chuyển cấp độ dịch từ “xanh” sang “vàng” nhận được sự quan tâm của người dân sinh sống trên địa bàn. Việc chuyển cấp độ dịch có làm hạn chế các hoạt động mà Hà Nội đang mở cửa, cần phải lưu ý thêm điều gì trong thời điểm dịch vẫn đang căng thẳng?

Trả lời thắc mắc này với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho biết, việc Hà Nội chuyển từ vùng “xanh” sang vùng “vàng” là bước cần thiết để Hà Nội nhìn nhận, đánh giá lại các tiêu chí về cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Sự kiện - Hà Nội chuyển cấp độ dịch có ảnh hưởng đến việc học sinh trở lại trường?

Hà Nội chuyển từ cấp độ 1 (vùng xanh, tức bình thường mới) lên cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình) (Ảnh: Hữu Thắng).

“Tỉ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1 về cơ bản tốt, nhưng mũi 2 của người trên 50 tuổi đã đạt hay chưa thì theo tôi cần phải rà soát lại. Thêm nữa, những cơ sở thu dung điều trị, bệnh nhân nặng hồi sức tích cực ở các cơ sở khám bệnh chữa bệnh cũng cần rà soát lại một cách chi tiết về nhân lực, phương án tổ chức, trang thiết bị, phương tiện phòng hộ… tất cả phải sẵn sàng để đối phó trong tình huống dịch bùng phát”, ông Hùng phân tích.

Theo ông Hùng, Hà Nội chuyển cấp độ dịch như vậy để Hà Nội rà soát lại, đặc biệt là việc tiêm phòng cho người trên 50 tuổi, còn tỉ lệ ca nhiễm không đến mức độ phải chuyển sang vùng “vàng”.

“Tôi cho rằng, việc chuyển cấp độ dịch này nên giải quyết sớm, làm quyết liệt chứ không nên kéo dài cấp độ dịch. Về lâu dài, các cơ sở y tế phải nâng cao năng lực đặc biệt y tế cơ sở cũng phải đảm bảo điều kiện để nếu dịch bùng phát thì đây cũng là nơi tham gia được vào công tác chăm sóc và điều trị người nhiễm. Điều này, ngành y tế phải tập trung làm quyết liệt để sớm chấm dứt giai đoạn này”, ông Hùng bày tỏ.

Theo ông Hùng, việc chuyển cấp độ dịch sang vùng “vàng” cũng làm hạn chế tụ tập đông người (không quá 30 người), còn lại các hoạt động khác vẫn diễn ra một cách bình thường.

Sự kiện - Hà Nội chuyển cấp độ dịch có ảnh hưởng đến việc học sinh trở lại trường? (Hình 2).

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho biết, việc Hà Nội chuyển từ vùng “xanh” sang vùng “vàng” là bước cần thiết.

Cần có sự giám sát từ nhiều phía

Về vấn đề Hà Nội chuyển cấp độ dịch liệu có ảnh hưởng đến việc cho học sinh quay trở lại trường học hay không? Ông Hùng cũng cho biết cần phải dựa vào 16 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trường học ở Hà Nội mà Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế Hà Nội mới ban hành.

“Chủ yếu vẫn là nhà trường phải chuẩn bị điều kiện, môi trường sạch, thông thoáng, đảm bảo giãn cách, đảm bảo hạn chế sự tiếp xúc giữa các lớp, không được tụ tập chơi đùa. Trong lớp cũng phải đảm bảo khoảng cách. Đặc biệt là phải có sự giám sát, từ cổng vào trường, trong lúc trẻ ra chơi có sự tham gia của thầy cô giáo cũng như bản thân học sinh vì đây là chuyện lâu dài.

Bên cạnh đó, nhấn mạnh thêm sự tham gia của cha mẹ trong việc đảm bảo an toàn cho các em học sinh. Bởi, ban ngày các em có thể đến trường nhưng ngày nghỉ đưa các em đến nơi tập trung đông người thì cũng dễ lây nhiễm. Đồng thời, cha mẹ cần giám sát sức khoẻ của các em”, ông Hùng nhấn mạnh.

Sự kiện - Hà Nội chuyển cấp độ dịch có ảnh hưởng đến việc học sinh trở lại trường? (Hình 3).

Để học sinh đến trường an toàn theo ông Hùng cần dựa vào 16 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trường học ở Hà Nội (Ảnh: Phạm Tùng).

Từ việc Hà Nội chuyển cấp độ dịch, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cũng lưu ý người dân vẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như khuyến cáo đó là 5K, vắc-xin, hạn chế tụ tập nơi đông người, thường xuyên khử khuẩn…

“Mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ mình, người thân và cộng đồng, có như vậy chúng ta mới thực sự “thích ứng an toàn” với dịch bệnh Covid-19”, ông Hùng bày tỏ.

Từ 29/4 đến nay Tp. Hà Nội ghi nhận tổng số 4.459 ca mắc Covid-19

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 1/11, trên địa bàn thành phố ghi nhận tổng số 57 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó cộng đồng (18), khu cách ly (33), khu phong tỏa (06). Phân bố theo quận, huyện: Mê Linh (18), Hoàng Mai (11), Hà Đông (08), Hoài Đức (08), Gia Lâm (02), Quốc Oai (02), Long Biên (02), Đống Đa (01), Nam Từ Liêm (01), Ứng Hòa (01), Ba Đình (01), Cầu Giấy (01), Sơn Tây (01).

Tính từ ngày 29/4 đến ngày 1/11, trên địa bàn thành phố ghi nhận tổng số 4.459 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.709 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.750 ca.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.