Hà Nội đề xuất tăng học phí gấp đôi tại nội thành: Còn lắm băn khoăn

Hà Nội đề xuất tăng học phí gấp đôi tại nội thành: Còn lắm băn khoăn

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 3, 21/06/2022 20:18

Dự thảo về quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của Tp.Hà Nội năm học 2022-2023 đã nhận về nhiều ý kiến phản biện.

Sáng 20/6, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Tp.Hà Nội đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của Tp.Hà Nội năm học 2022- 2023.

Tại hội nghị, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội - cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, HĐND Tp.Hà Nội đang xây dựng dự thảo Nghị quyết Quy định mức thu học phí với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập tại Hà Nội từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025- 2026.

Theo nội dung dự thảo, để có cơ sở thu học phí phù hợp với mức thu nhập, khả năng đóng góp của người dân có con theo học tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn, UBND Tp.Hà Nội đề xuất phân loại thành 4 vùng để áp dụng mức chi học phí từ năm 2022-2023.

Cụ thể, 12 quận nội thành và các phường tại thị xã Sơn Tây thuộc vùng 1; các thị trấn thuộc 17 huyện ngoại thành là vùng 2; các xã (trừ xã miền núi) của 18 huyện, thị thuộc vùng 3; còn lại các xã miền núi được xếp vào vùng 4.

Phương án đề xuất mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức sàn trong khung quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP (trừ cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thị trấn).

Cụ thể, năm học 2022- 2023, với các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên, học phí vùng 1 và 2 là 300.000 đồng mỗi tháng. Hai vùng còn lại thấp hơn, dao động từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (vùng 3) và từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng (vùng 4).

Như vậy, học phí tăng khoảng gấp đôi năm ngoái, trừ bậc trung học phổ thông vùng 1 và 2 có mức học phí tăng từ 217.000 đồng năm 2021 lên 300.000 đồng.

Nội dung dự thảo cũng nêu rõ, bậc tiểu học được miễn học phí. Mức thu trên là căn cứ để hỗ trợ cho học sinh tiểu học tư thục hoặc học sinh tư thục thuộc diện hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định.

Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, dự thảo đưa ra quy định mức trần học phí năm học 2022-2023 từ 2,4 triệu đồng đến 3,2 triệu đồng/học sinh/tháng.

HĐND Tp.Hà Nội dự kiến mức thu học phí theo hình thức học trực tuyến bằng 75% mức  thu học phí của các cơ sở giáo dục công lập đã được ban hành; mức thu học phí được làm tròn đến đơn vị nghìn đồng.

Trong 1 tháng, nếu trẻ mầm non học ít hơn 14 ngày, cần nộp một nửa so với quy định; học trên 14 ngày phải nộp đủ học phí cả tháng. Với bậc phổ thông luân chuyển học trực tiếp và trực tuyến trong cùng tháng, hình thức nào được áp dụng từ 14 ngày trở lên thì trường sẽ thu học phí theo hình thức đó. Các trường cần đảm bảo tổng số tháng thu học phí trong năm không vượt quá 9.

Dự kiến đến năm học 2025-2026, mức thu học phí vùng 1 và vùng 2 từ 380.000 đồng/ tháng đến 650.000 đồng/tháng; mức thu học phí ở vùng 3 và vùng 4 từ 110.000 đồng đến 330.000 đồng/tháng.

Góp ý tại hội nghị, ông Vũ Hào Quang, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Tổng hợp, phân tích Dư luận xã hội cho rằng, cần xem xét lại mức chênh lệch mức thu học phí giữa các xã miền núi và khu vực đô thị.

Việc thu học phí tại các thị trấn thấp hơn các phường nội thành là hợp lý vì thu nhập và chi phí tại các phường nội thành cao hơn thị trấn. Tuy nhiên, cần có sự điều chỉnh tỉ lệ học phí giữa các xã miền núi và các phường. Theo đó, ông Quang cho rằng, mức thu học phí giữa các xã miền núi chênh lệch với khu vực phường đến hơn 9 lần là chưa thoả đáng. Cần xem xét lại mức độ chênh lệch này.

Ông Quang cũng đề nghị cần có chính sách miễn giảm cho các đối tượng khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và các trường hợp khó khăn khác thông qua con số thống kê từ các xã phường.

Luật gia Lê Gia Ánh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đối với các mức mà tỉ lệ % tăng so với năm trước liền kề là 93,55% là quá cao. Ông Ánh đề nghị, tỉ lệ chỉ nên tăng dưới 50% so với năm trước là hợp lý. Các năm sau sẽ tăng dần tỉ lệ đến mức quy định sàn của nghị định. Phần nếu còn thiếu, đề nghị ngân sách cấp bù.

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Tp.Hà Nội cho rằng, việc quan trọng nhất là làm sao học phí phải tương đương với chất lượng giảng dạy, đề nghị ghi rõ cơ quan quản lý chịu trách nhiệm đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục hiện nay và công bố công khai.

Trước ý kiến của các đại biểu, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng, nếu Hà Nội không tăng học phí trong năm 2022- 2023 thì sang năm phải tăng gấp đôi và sang năm nữa sẽ phải tăng gấp 3 theo lộ trình. Ông Cương nêu, như Tp.HCM mấy năm không tăng học phí, nên mới có chuyện học phí trong năm học tới tăng 5 lần. 

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng nêu: Việc thu học phí hiện nay của Hà Nội chỉ đủ 19% cho tổng chi cho giáo dục, còn 81% Nhà nước phải chi. Việc thu học phí sẽ chi 90% trả lương cho giáo viên còn 10% chi cho các phần tái đầu tư khác.

Tiếp thu các ý kiến của đại biểu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương cho biết,các ý kiến sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đối với các quyết sách của thành phố. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp thu ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học, để bổ sung hoàn thiện, đảm bảo đầy đủ căn cứ pháp lý, cơ sở chính trị.

Minh Hoa (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.