Theo đó, trước Tết Nhâm Dần, một số điểm di tích, văn hóa và lễ hội Xuân trên địa bàn Thủ đô thông báo tạm dừng hoạt động nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, các điểm tham quan khác như bảo tàng, công viên hay các hoạt động vui chơi Tết được phép mở cửa và thu hút hút nhiều khách đến tham quan và trải nghiệm.
Cụ thể, từ ngày 31/1 đến 4/2/2022, Vườn quốc gia Ba Vì đón 13 nghìn lượt khách, Vườn thú Hà Nội đón khoảng 28 nghìn lượt, Công viên Thiên đường Bảo Sơn đón khoảng 15 nghìn lượt khách, Khu du lịch Tản Đà đón 1 nghìn lượt khách, Làng sinh vật cảnh Hồng Vân đón 700 lượt khách… Tổng lượng khách đến Thủ đô trong thời gian này là hơn 105 nghìn lượt, khách du lịch tại Hà Nội tuân thủ quy tắc 5K và thực hiện tốt các nguyên tắc phòng dịch khác.
Ngành Du lịch Hà Nội kỳ vọng, trong thời gian tới, sẽ đón được nhiều khách du lịch quốc tế và nội địa tới tham quan. Và đặc biệt, dịch bệnh được đẩy lùi để du lịch sẽ là một trong những ngành mũi nhọn của Thủ đô.
Ngoài ra, chợ hoa truyền thống, không gian bích họa phố Phùng Hưng, đường hoa Xuân chào đón Tết với chủ đề Hành trình vàng son Tết Việt, hội chợ Xuân Nhâm Dần - Nơi hội tụ hương vị Xuân đất Việt… là những hoạt động nổi bật trong dịp Tết Nhâm Dần 2022.
Khách du lịch du xuân năm nay thường đi theo nhóm bạn bè hoặc gia từ một số tỉnh, thành lân cận Hà Nội như Hà Nam, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình...
Cũng theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, do ảnh hưởng dịch bệnh nên cơ sở lưu trú tại Hà Nội không có số lượng khách cao. Cụ thể, cơ sở lưu trú từ 1 đến 5 chỉ đạt khoảng 22%, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng hệ thống mua sắm đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, có một số trung tâm mở cửa từ ngày 5.1 nhưng chủ yếu vẫn là khách tham quan, sức mua không cao, vì thế tổng doanh thu ước tính giảm 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Tổng cục Du lịch, dịp Tết Nhâm Dần 2022 có sự vượt trội so với Tết Tân Sửu 2021 khi đón tổng lượng khách trên cả nước khoảng hơn 6 triệu lượt khách nội địa. Trong đó, Tây Ninh đứng đầu bảng khi đón 595 nghìn lượt trong 5 ngày Tết, kế đến là An Giang (316 nghìn lượt), Vũng Tàu (204 nghìn lượt), (Đà Lạt 112 nghìn lượt), Khánh Hòa (98 nghìn lượt), Hà Giang (86 nghìn lượt), Phú Quốc (79 nghìn lượt), Hà Giang, Sa Pa (74 nghìn lượt)…
Thống kê trên cho thấy, trong khoảng 9 ngày Tết vừa qua, lượng khách du lịch nội địa thậm chí có chỉ số khách vượt mức hơn tháng 12/2021 (khoảng 5,2 triệu lượt). Đây được xem là một tín hiệu vui của ngành du lịch Việt Nam sau khoảng 2 năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Cùng với sự chủ trương của Chính phủ về việc mở cửa du lịch từ cuối tháng 3, nhiều doanh nghiệp lữ hành đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự “bùng nổ” để du lịch sớm phục hồi trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để đạt được những kỳ vọng đề ra, không ít doanh nghiệp lữ hành cho rằng, du lịch cần nhất vẫn là sự phát triển bền vững và sự đồng lòng của các Sở ban ngành, các địa phương.