Như vậy, so với tuần trước đó, số ca mắc sốt xuất huyết giảm 15,1% (1.420 ca).
Mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết giảm nhẹ so với tuần trước, nhưng Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật nhận định vẫn đang ở mức cao.
Đặc biệt, theo CDC Hà nội, bệnh nhân sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch.
(Ảnh: NLĐ).
Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận/huyện/thị xã. Trong đó bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số khu vực như: Đan Phượng (144), Hoàng Mai (92), Thường Tín (91), Thanh Oai (87).
Trong tuần qua, thành phố cũng ghi nhận thêm 62 ổ dịch mới tại: Thanh Oai (10), Hà Đông (10), Đống Đa (8), Bắc Từ Liêm (4), Hoàng Mai (4), Nam Từ Liêm (3), Thanh Xuân (3), Tây Hồ (3), Long Biên (3), Hoài Đức (2), Ba Đình (2), Quốc Oai (2), Thường Tín (2), Mê Linh (2), Thạch Thất (1), Phúc Thọ (1), Chương Mỹ (1), Thanh Trì (1).
Đáng chú ý, trong tuần, Hà Nội đã ghi nhận 3 ca tử vong vì sốt xuất huyết.
Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, trong tuần qua, cả nước ghi nhận 9.677 trường hợp mắc sốt xuất huyết. So với tuần trước (11.260), số ca mắc giảm 14,1%.
Trong đó, số nhập viện là 7.668 ca, so với tuần trước (9.062) số bệnh nhân nhập viện giảm 15,4%.
Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 270.278 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 108 ca tử vong.
Theo các bác sĩ, dấu hiệu cảnh báo là quá trình chuyển nặng/ nguy kịch, thường là ở giai đoạn sốt muộn hay còn gọi là giai đoạn hạ sốt.
Khi nhiệt độ giảm xuống bình thường (bệnh nhân hạ sốt/ hết sốt, nhiệt độ < 38 độ C), là thời điểm các dấu hiệu nặng xuất hiện, có thể nguy hiểm đến tính mạng, liên quan đến thoát mạch (dịch/plasma thấm ra khỏi lòng mạch), ứ dịch (ở các khoang cơ thể như: khoang màng phổi gây tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, tràn dịch màng bụng,…), tình trạng suy hô hấp/ khó thở, chảy máu và suy giảm chức năng nhiều cơ quan trong cơ thể.
DIỆU THU