Ngày 29/12, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tổ chức buổi hội nghị thông tin báo chí về công tác đảm bảo cung cầu hàng hóa, quản lý thị trường, đảm bảo y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021… trên địa bàn Hà Nội.
Tại cuộc họp, ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng cục Quản lý thị trường Hà Nội đánh giá, trong những ngày cuối năm, hoạt động kinh doanh thương mại, hàng hóa phục vụ Tết có nhiều diễn biến sôi động. Một số mặt hàng tiêu dùng dự báo có biến động về giá do nhu cầu tiêu dùng tăng cao: Thực phẩm tươi sống, đông lạnh (thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm, hải sản các loại,..); Thực phẩm công nghệ (rượu, bia, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, dầu ăn,...); thuốc lá, quần áo thời trang...
Cùng với đó, hoạt động vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (đặc biệt hàng hóa tiêu dùng, quần áo thời trang giả mạo xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam), hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), không rõ nguồn gốc và kém chất lượng dự báo tiềm ẩn nguy cơ cao.
Các đối tượng vi phạm lợi dụng tình hình thị trường có nhiều biến động để gia tăng các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, vi phạm ATTP.
“Trong năm 2020 (tính đến 14/12/2020), cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 5.771 vụ, trong đó có 5.616 vụ đã xử lý với số tiền tương ứng là hơn 133 tỷ đồng. Số tiền phạt hành chính là hơn 49 tỷ đồng; giá trị hàng hóa tịch thu là hơn 25 tỷ đồng và trị giá hàng tiêu hủy, tái chế là hơn 58 tỷ đồng”, ông Hùng thông tin.
Theo Phó Cục trưởng cục Quản lý thị trường, vấn đề bán hàng trên mạng đang là vấn nạn nhức nhối, khó kiểm soát. Bởi, hiện nay có nhiều đối tượng rất tinh vi, lợi dụng công nghệ 4.0 kinh doanh các mặt hàng thiết yếu.
“Chúng tôi đã tiếp thu nhiều kiến nghị của người dân. Họ chỉ cần có 1 máy tính để thực hiện hành vi nhưng khi người dân chuyển tiền thì chẳng biết họ là ai, việc này làm khó cho cơ quan chức năng. Đường dây nóng đã nhận rất nhiều thông tin, quản lý thị trường cũng đã có mặt kiểm tra ngay nhưng mạng ảo thì rất khó. Tìm ra chỗ để hàng của các đối tượng lại càng khó. Mặc dù, Tổng cục QLTT đã có hẳn kế hoạch kiểm tra kinh doanh thương mại điện tử trên môi trường mạng, thối hợp với các ngành, tăng cường kiểm tra, kiểm soát rất nhiều. Thế nhưng tình trạng nhiều người dân bị lừa vẫn không thuyên giảm”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, cục QLTT TP.Hà Nội xác định nhiệm vụ trọng tâm nên đã ban hành 1 kế hoạch, 2 văn bản chỉ đạo về các công tác kiểm tra kiểm soát thị trường. Đặc biệt là kiểm tra, kiểm soát và xử lý đối với thực phẩm đông lạnh nhập khẩu từ các nước đang có dịch bệnh Covid-19.
Ông Hùng cho biết, để hoàn thành nhiệm vụ công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, phục vụ nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 an toàn, lành mạnh, cục QLTT tập trung chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời, triệt để đối với các hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, mua bán hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Trong đó xác định trọng tâm nhiệm vụ là công tác đấu tranh, phòng chống buôn bán hàng lậu, hàng cấm, đặc biệt là mặt hàng pháo và thuốc lá;
Thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, thực phẩm nhập lậu như thịt lợn, bò, gia súc, gia cầm, hải sản các loại và các sản phẩm chế biến từ thịt, thực phẩm nhập khẩu, đông lạnh…
Thực phẩm công nghệ, bao gồm: rượu (rượu không rõ nguồn gốc, rượu giả), bia, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, dầu ăn… thuốc lá, quần áo thời trang, sản xuất, tàng trữ hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại, dịch vụ.
Đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lưu thông hàng hóa đảm bảo chất lượng, góp phần bình ổn thị trường, giá cả hàng hóa, phục vụ nhân dân Thủ đô và cả nước nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021…