Còn nhiều “lỗ hổng”
Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội. Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, trong giai đoạn 2016 - 2020, TP đã hoàn thành 23 dự án nhà ở xã hội, tương đương hơn 1,2 triệu m2 sàn với 12.659 căn hộ. Mới đây nhất quý I/2022, toàn TP đã hoàn thành 130.220 m2 sàn với 1.170 căn.
Với con số này rất nhiều người thu nhập thấp tại Thủ đô đã có nhà ở, song thực tế nguồn cung loại hình nhà ở này vẫn chưa đáp ứng kịp so với nhu cầu. Chính vì thế, chính sách an sinh này đã bị một số đối tượng lợi dụng những lỗ hổng trong quản lý, giám sát của cơ quan chức năng để trục lợi.
Khi giá căn hộ chung cư liên tục tăng, nhà ở xã hội được quan tâm hơn bao giờ hết bởi giá thành chỉ bằng một nửa so với giá nhà thương mại. Hiện nay, tại thị trường Hà Nội giá chung cư thương mại thuộc phân khúc tầm trung vào khoảng 35 - 50 triệu/m2, nhưng nhà ở xã hội lại chỉ có giá bán từ 14 - 17 triệu đồng/m2 đối với trường hợp mở bán mới và khoảng 25 - 27 triệu đồng/m2 với trường hợp rao bán lại.
Chính sự chênh lệch quá lớn này khiến nhà ở xã hội dù bị cấm giao dịch mua bán trong 5 năm đầu tiên, nhưng vẫn trở thành mặt hàng “hot” trên thị trường. Do phù hợp khả năng nên nhiều người vẫn chấp nhận mua lại dù phải mất số tiền chênh lên đến 10 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra phát hiện việc mua bán này, chủ căn hộ sẽ có thể bị mất nhà. Trao đổi với PV, Luật sư Lê Ngọc Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, theo Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP, việc mua bán nhà ở xã hội phải đạt điều kiện sau khi người mua thanh toán hết tiền và sau thời hạn 5 năm mới được phép chuyển nhượng. Trong trường hợp mua bán chưa đủ điều kiện pháp lý mà cơ quan quản lý phát hiện ra, giao dịch sẽ bị vô hiệu và căn hộ bị thu hồi.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý một số trường hợp sử dụng không đúng mục đích như cải tạo đập thông 2 căn hộ, bán, cho thuê lại, hoặc không sử dụng căn hộ…
Điển hình tại dự án nhà ở xã hội ngõ 622 phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) phát hiện 57 trường hợp không sử dụng; dự án nhà ở xã hội tại ô đất CC-1, lô đất N1+N3 Khu đô thị Quốc Oai (huyện Quốc Oai) có 65 trường hợp; dự án Tổ hợp văn phòng, dịch vụ, thương mại và nhà ở xã hội số 30 Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy), có tình trạng cải tạo thông 2 căn hộ...
Nói về nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) Bùi Tiến Thành cho hay, chủ đầu tư và UBND các quận, huyện, thị xã nơi có dự án nhà ở xã hội chưa làm tốt việc giám sát sử dụng nhà ở xã hội. Khi phát hiện, chính quyền địa phương chưa quan tâm đến việc xử lý vi phạm theo quy định…
Siết chặt quản lý
Để ngăn chặn tình trạng vi phạm này, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Quyết định số 5488/QĐ-UBND về chuyên đề "Giải pháp đẩy mạnh quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025".
Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021- 2025". Theo kế hoạch, trong giai đoạn này, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng khoảng 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, trong đó sẽ ưu tiên xây dựng nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp.
Trước mắt, thực hiện Kế hoạch số 151/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai thực hiện chuyên đề 'Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025", thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp UBND quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, hướng dẫn UBND xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, chủ đầu tư, Ban quản trị và chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư những quy định của pháp luật và chủ trương, chính sách của thành phố về quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó có nhà ở xã hội.
Bên cạnh việc hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã chủ đầu tư những quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình, Sở Xây dựng Hà Nội phải tiến hành kiểm tra quản lý chất lượng, an toàn - vệ sinh lao động tại các công trình xây dựng nhà ở xã hội đang triển khai; chấn chỉnh chủ đầu tư và nhà thầu thi công việc tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND quận, huyện, thị xã kiểm tra danh sách đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội nhằm phát hiện người được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng hoặc không đủ điều kiện để thông báo cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội biết để xóa tên trong danh sách dự kiến được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
UBND cấp huyện nơi có nhà ở xã hội chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung quy định về trách nhiệm của UBND cấp huyện trong mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội tại các dự án trên địa bàn do mình quản lý. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, theo dõi, giám sát việc quản lý sử dụng nhà ở của các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội nhằm xác định các trường hợp bán lại, cho thuê, cho ở nhờ, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích và tự ý thay đổi thiết kế công trình, căn hộ; kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.
Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tuân thủ việc mua bán, quản lý và sử dụng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật; trường hợp phát hiện đối tượng mua bán, sử dụng nhà ở xã hội không đúng quy định, xử lý vi phạm theo quy định hoặc đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo UBND cấp huyện để xử lý vi phạm nếu vượt thẩm quyền.
Làm rõ thêm những vấn đề về thị trường bất động sản trong phiên chất vấn được đại biểu Quốc hội nêu ra ngày 8/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, cả nước hiện đang tiếp tục triển khai 339 dự án nhà ở xã hội nhưng tốc độ triển khai rất chậm, trong đó nhà ở công nhân 7,6 triệu m2 với hơn 152.000 căn hộ, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 9,6 triệu m2 với 219.000 căn hộ.
Các dự án này mới chỉ khởi động lại thời gian gần đây, sau khi có gói hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ được công bố. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng, cao hơn so với thu nhập của người dân. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp càng khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở.
Hương Anh (t/h)