Nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, Công an TP.Hà Nội dự kiến có 6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường. Đồng thời, hướng dẫn việc cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện (mã QR).
Dư luận ủng hộ Hà Nội siết chặt hơn việc kiểm soát đi lại của người dân từ 6/9, áp dụng một số biện pháp cao hơn đối với những khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, khu vực “vùng đỏ”, “vùng da cam”, chỉ những cá nhân, phương tiện "được phép” mới ra đường.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc cấp giấy đi đường của Hà Nội vẫn còn bất cập, chưa khả thi.
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc thay đổi quy định cấp giấy đi đường liên tục có thể sẽ làm khó cho cơ quan chức năng, cho doanh nghiệp và người dân.
Vị chuyên gia pháp lý phân tích: “Theo dự kiến sẽ có 6 nhóm được cấp giấy đi đường và sẽ có 2 đầu mối cơ quan cấp giấy. Cụ thể, Công an xã, phường, thị trấn sẽ cấp giấy cho cá nhân, còn Công an TP.Hà Nội sẽ cấp giấy cho tổ chức.
Tuy nhiên, hiện nay, đối tượng được phép đi lại tại Hà Nội là rất lớn, khi làm thủ tục cấp giấy, nhiều người sẽ gọi điện và liên hệ qua email của cơ quan chức năng, các đầu mối tiếp nhận thông tin và xem xét cấp giấy… Tôi cho rằng, việc thay đổi cấp giấy đi đường này có thể sẽ tạo ra sự ùn tắc cục bộ hoặc tạo ra sự quá tải cho cơ quan chức năng, cũng như kéo dài thời gian được cấp giấy và ảnh hưởng đến công việc của rất nhiều người”.
Luật sư Đặng Văn Cường nhìn nhận: “Với các doanh nghiệp, tổ chức, lại phải gửi qua khâu trung gian, sau đó mới gửi lên cho Công an Thành phố, như vậy rất mất thời gian. Trong khi đó, nhiều người phải thực hiện công việc cần kíp, phải xử lý tài liệu quan trọng hoặc tham gia tố tụng… như vậy, với 2 đầu mối cơ quan cấp giấy đi đường thì sẽ quá tải”.
“Nếu muốn số lượng người đi đường giảm xuống thì TP.Hà Nội có thể ban hành quyết định, nghị quyết mới về phòng, chống dịch, áp dụng mức cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó hạn chế số đối tượng được phép ra đường, thu gọn số người trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị, tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ thiết yếu…”, vị luật sư nêu quan điểm.
Ông Cường đặt vấn đề: “Tại sao chúng ta không quy định rất rõ ràng về thẩm quyền, trình tự thủ tục, về căn cứ, thời hạn thực hiện cấp giấy đi đường có nhận diện mã QR trên nền tàng điện tử và cấp trực tuyến? Đâu nhất thiết cứ phải cấp theo thủ tục hành chính rườm rà như vậy? Tôi nghĩ rằng, đây là vấn đề không hợp lý.
Nếu thủ tục rườm rà như vậy thì có thể sẽ ảnh hưởng đến khối lượng công việc của cơ quan chức năng trong việc xem xét, xét duyệt cấp giấy đi đường và ảnh hưởng đến thời gian chờ đợi của công dân”.
“Hiến kế” cho TP.Hà Nội để thực hiện tốt hơn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, luật sư Giang Hồng Thanh (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cũng cho rằng, Hà Nội cần để người dân đăng ký và cấp mã QR đi đường bằng hình thức online. Cụ thể, vị luật sư chỉ ra 6 bước để cấp mã QR qua mạng.
Thứ nhất, người dân gửi đăng ký qua ứng dụng trên điện thoại hoặc qua cổng thông tin điện tử của Công an hoặc UBND xã, phường, thị trấn. Cả 2 cơ quan này đều có thẩm quyền cấp mã QR.
Thứ hai, nội dung đăng ký như sau: Người dân đánh dấu vào ô tương ứng của nhóm công việc được ra đường đã liệt kê sẵn trên ứng dụng, đồng thời gửi kèm giấy tờ chứng minh. Ví dụ như đánh dấu vào ô “Đi chợ” thì gửi kèm ảnh chân dung đang cầm CMND, hộ khẩu (phạm vi hoạt động chỉ trong địa bàn xã, phường, thị trấn); Đánh dấu vào ô “Giao hàng” thì gửi kèm ảnh chân dung đang cầm CMND, hộ khẩu, cùng giấy tờ chứng minh mình là nhân viên giao hàng; Đánh dấu vào ô “Đi làm” (thuộc nhóm đối tượng được phép hoạt động) thì gửi kèm CMND, hộ khẩu, giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức theo mẫu - có thể chấp nhận xác nhận scan nếu người dân không thể lấy dấu trực tiếp…
Thứ ba, người đăng ký và cơ quan, tổ chức xác nhận phải cam kết khai đúng và chịu trách nhiệm nếu cung cấp thông tin sai.
Thứ tư, cán bộ Công an hoặc UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra nội dung đăng ký, nếu phù hợp thì trình Chủ tịch UBND hoặc Trưởng Công an cấp mã QR cho người đăng ký.
Thứ năm, mã QR có các nội dung sau: Họ tên, CMND, hộ khẩu, mục đích ra đường, phạm vi đi lại, thời gian hoạt động.
Thứ sáu, Công an quét mã QR và đối chiếu giấy tờ tùy thân của người đi đường.