Hà Nội ưu tiên nguồn lực để phát triển giao thông xanh

Hà Nội ưu tiên nguồn lực để phát triển giao thông xanh

Nguyễn Hữu Thắng

Nguyễn Hữu Thắng

Thứ 4, 16/07/2025 16:59

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cam kết, Thành phố sẽ luôn ưu tiên nguồn lực để phát triển giao thông xanh – bền vững, đưa Thủ đô trở nên thân thiện với môi trường trong tương lai gần.

Ngày 16/7, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền dự cuộc họp với đại diện các Sở, ngành cùng các doanh nghiệp liên quan về tiến độ triển khai những chỉ đạo của Thành phố trong chuyển đổi xanh phương tiện giao thông trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thời gian qua, Thành phố đã chủ động triển khai lộ trình chuyển đổi phương tiện xanh nhằm đảm bảo đồng bộ, quyết liệt để hướng tới môi trường xanh, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Bám sát vào các tiêu chí đã đề ra, Hà Nội đặt mục tiêu, quyết tâm chuyển đổi xe buýt xanh chậm nhất đến năm 2030. Đến nay, Thành phố đã hoàn thành mục tiêu kế hoạch của năm 2026. Tuy nhiên, cần đảm bảo được tiến độ ở những giai đoạn tiếp theo và sự quan tâm của các Sở, ngành.

Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đào Việt Long cho biết, trong thời gian qua, công tác chuyển đổi xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện rõ định hướng đúng đắn và quyết tâm cao của thành phố trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Giai đoạn 2025 - 2026, Sở Xây dựng đã hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện xe buýt điện, năng lượng xanh. Đồng thời, mở rộng mạng lưới xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh; triển khai xây dựng các trạm sạc xe buýt điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ chuyển đổi phương tiện xe buýt điện, năng lượng xanh trong năm năm 2025 là 10%; kế hoạch năm 2026 là 20 - 23%.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, trong giai đoạn 2027 - 2030, Sở Xây dựng sẽ triển khai công tác chuyển đổi theo lộ trình và hoàn thành công tác chuyển đổi 100% xe buýt sử dụng nhiên liệu xăng, dầu diesel sang xe buýt sử dụng điện. Đồng thời, mở rộng mạng lưới trạm sạc đảm bảo hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, mở rộng mạng lưới xe buýt điện để tăng tính kết nối, tăng năng lực cung ứng.

img

Chuyển đổi 100% xe buýt sử dụng nhiên liệu xăng, dầu diesel sang xe buýt sử dụng điện.

Đối với lĩnh vực taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ, tính đến cuối tháng 6/2025, Hà Nội đã có 8.831 xe taxi điện – chiếm 47,4% tổng số xe đang hoạt động. 23 doanh nghiệp taxi đã gửi kế hoạch chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện trước năm 2030.

Tuy nhiên, theo ông Long, quá trình chuyển đổi vẫn còn không ít thách thức về chi phí đầu tư, hạ tầng trạm sạc, cơ chế tài chính, cũng như tâm lý tiêu dùng của người dân.

Để tháo gỡ, Sở Xây dựng kiến nghị UBND Thành phố Hà Nội sớm thông qua "Nghị quyết về chính sách, biện pháp, hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch". Đồng thời, xây dựng "Đề án chuyển đổi phương tiện giao thông cơ giới dùng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch" làm căn cứ triển khai dài hạn.

Ông Nguyễn Thanh Nam – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho biết, đơ vị đã triển khai 4 tuyến xe buýt điện với tổng vốn đầu tư 320 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2030 hoàn tất toàn bộ quá trình chuyển đổi.

Tuy nhiên, ông Nam cũng nêu khó khăn lớn trong công tác quản lý trạm sạc khi quyền điều hành phần mềm vẫn nằm trong tay nhà sản xuất thiết bị. Ngoài ra, thiếu đơn giá định mức cho xe điện và khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay cũng đang là rào cản.

Tổng Công ty vận tải Hà Nội kiến nghị Thành phố sớm ban hành khung giá định mức xe điện, đồng thời xây dựng cơ chế ưu đãi tín dụng để doanh nghiệp thuận lợi chuyển đổi.

img

Tình trạng thừa, thiếu cục bộ trạm sạc đang diễn ra tại nhiều khu vực.

Cũng tại cuộc họp, đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho biết, hiện các trạm sạc đang sử dụng giá điện kinh doanh theo chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, tình trạng thừa, thiếu cục bộ trạm sạc đang diễn ra tại nhiều khu vực. Do đó, cần quy hoạch trạm sạc theo khu vực, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tiễn khi lộ trình chuyển đổi hoàn tất vào năm 2030.

Kết luận buổi họp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá cao sự chủ động từ các sở ngành và doanh nghiệp, đồng thời giao Sở Xây dựng rà soát các quy định, đề xuất xây dựng đề án tổng thể chuyển đổi xanh trên toàn Thành phố.

img

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền kết luận cuộc họp.

Ông Quyền nhấn mạnh: "Phải có quy hoạch rõ ràng cho hệ thống trạm sạc, chuyển đổi xe buýt cần đi trước, sau đó là taxi và xe máy. Đặc biệt, hạ tầng phải đi trước một bước, đây là điều kiện tiên quyết cho thành công của kế hoạch này."

Mặc dù ngân sách còn hạn chế, Hà Nội cam kết sẽ ưu tiên nguồn lực để phát triển giao thông xanh – bền vững, đưa Thủ đô trở thành hình mẫu đô thị thông minh, thân thiện với môi trường trong tương lai gần.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.