Trong văn bản này nêu rõ, sau khi đã trao đổi, thống nhất các nội dung về mặt chuyên môn với sở Y tế và sở Lao động Thương binh & Xã hội, sở GD&ĐT Hà Nội đã trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt cho học sinh, học viên các cấp học, tạm dừng đến trường trong thời gian tới.
Cụ thể, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh, đối tượng chưa đủ ý thức, hạn chế về kỹ năng tự phòng ngừa, đồng thời hạn chế việc tập trung đông người và giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, học sinh, học viên các cấp học, bậc mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp, trung cấp chuyên nghiệp; trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hóa, bồi dưỡng kỹ năng, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố tạm dừng đến trường từ ngày 17/2/2021 đến khi có thông báo mới của thành phố.
Trong thời gian học sinh ở nhà để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các trường tiểu học, THCS, THPT; trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tổ chức dạy học trực tuyến qua Internet theo hướng dẫn của sở GD&ĐT.
Các trường mầm non thực hiện theo hướng dẫn ngày 04/2/2021 của Sở, chủ động phối hợp với phụ huynh học sinh trong công tác quản lý và theo dõi sức khỏe, đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của bộ Y tế, bộ GD&ĐT và thành phố.
Trước diễn biến dịch Covdi-19 phức tạp và động thái của sở GD&ĐT Hà Nội, nhiều phụ huynh, giáo viên và chuyên gia cũng ủng hộ phương án này.
Chị Nguyễn Thị Hằng (một phụ huynh tại Hà Nội) chia sẻ: “Việc lùi thời điểm kết thúc năm học có thể sẽ gây một số khó khăn cho ngành giáo dục và các địa phương. Mặc dù vậy, việc phòng, chống dịch bệnh dù được chuẩn bị tốt đến mấy cũng không thể chủ quan. Vì vậy, các địa phương, đặc biệt là ácc thành phố lớn với sĩ số học sinh/lớp đông, cần chú ý đến khâu an toàn, an toàn mới đi học, đi học phải an toàn. Tính mạng, sức khỏe của học sinh, giáo viên là trên hết”.
Cô giáo Trịnh Thị Tuyến (giáo viên trường tiểu học, THCS & THPT Đa trí tuệ - Hà Nội) nhận định: “Trong lúc tình hình dịch đang phức tạp, phương án cho học sinh quay lại trường học lúc này là chưa khả thi vì có thể sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ.
Tuy nhiên, với các thành phố lớn, việc học online còn khả thi vì các em đã có trang thiết bị đầy đủ và thời gian tiếp cận với Internet và máy tính nhiều. Còn ở các địa phương còn nhiều khó khăn, việc dạy online cũng có những bất cập nhất định. Hơn nữa, khi học online cần có sự trông nom của phụ huynh để việc dạy học có hiệu quả. Vì vậy, theo tôi, trước mắt, nên cho học sinh nghỉ đến hết tháng 2, vẫn là tương đối khả thi. Nếu tính đến phương án cho học sinh nghỉ thêm sau đó, thì cần phải được cân nhắc kỹ vì để tránh ảnh hưởng đến tiến độ học tập và kiến thức của học sinh trong các học kỳ trước”.
Đồng tình với ý kiến trên, ThS Nguyễn Tiến Mạnh (Hà Nội) cũng bày tỏ: “Theo tôi, việc tiếp tục cho học sinh tạm dừng đến trường để đảm bảo an toàn sức khỏe trong giai đoạn dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay là hợp lý. Sức khoẻ của tất cả mọi người là quan trọng nhất, phải được ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là các em học sinh.
Sau một năm ứng phó với dịch Covid-19, ngành giáo dục cũng có kinh nghiệm trong việc triển khai các kế hoạch dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, dưới nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo và linh hoạt với điều kiện từng địa phương, đồng thời, vẫn đảm bảo được kế hoạch năm học mà Bộ đã đề ra”.
“Tuy nhiên, bộ GD&ĐT cũng nên có quy định cụ thể để hướng dẫn các trường, các địa phương về việc dạy và học trực tuyến sao cho có hiệu quả, các hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp với việc dạy và học trực tuyến, tránh tình trạng học sinh học “đối phó”. Bên cạnh đó, việc dạy và học trực tuyến vẫn còn nhiều bất cập về cơ sở vật chất ở những vùng khó khăn, những nơi không có đủ điều kiện để đáp ứng, bộ GD&ĐT cũng cần phải có phương án khắc phục kịp thời” - ThS Nguyễn Tiến Mạnh phân tích thêm.