Chiến thắng cách biệt 3-0 trước Bayern Munich trên sân nhà Etihad, trong khuôn khổ lượt đi vòng tứ kết Champions League 2022/23 đã đưa Man City đặt một chân vào bán kết. Hành trình còn dài và thầy trò Pep Guardiola quá hiểu chỉ đến khi chạm tay vào chiếc cúp tai voi danh giá, họ mới được công nhận là đội bóng xuất sắc nhất châu Âu. Trong quá khứ, The Citizens từng 3 lần vào tới bán kết, 1 lần tiến tới chung kết nhưng rốt cuộc đều phải ngậm ngùi cay đắng dừng chân trước đỉnh vinh quang.
Bởi số tiền đầu tư quá nhiều nhưng chưa một lần vô địch Champions League nên Man City vẫn bị gắn mác “trọc phú”, kẻ lắm tiền hay trưởng giả học làm sang. Chỉ có bước lên bục cao nhất của đấu trường danh giá nhất châu Âu mới đưa đội chủ sân Etihad vào tầng lớp tinh hoa của bóng đá châu Âu, đó là cảm giác chung của người hâm mộ lẫn anti-fan, từ chuyên gia cho đến giới bình luận.
Bản hợp đồng với Erling Haaland trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè năm ngoái có thể ví như một nỗ lực nữa để Man City hiện thực tham vọng vô địch châu Âu. Chiều ngược lại, gia nhập Man City cũng là bước tiến lớn trong sự nghiệp của chân sút mới chỉ 22 tuổi người Na Uy. Giống như Man City, Haaland bị xem là “bé bự” không chỉ vì hình thể, tuổi tác mà cả sự hoài nghi về bản lĩnh.
Không thể phủ nhận, tiền đạo này là cỗ máy săn bàn khủng khiếp bậc nhất châu Âu, tuy nhiên màn trình diễn của Haaland trong các trận đấu lớn hoặc những thời khắc khó khăn của đội nhà vẫn chưa được xem trọng. Nguyên do đến từ lối chơi “mắc võng” trong vòng cấm địa của Haaland. Tiền đạo này chạm bóng rất ít, đồng nghĩa ít tạo ảnh hưởng lên lối chơi chung của toàn đội, đồng thời phụ thuộc vào hệ thống hỗ trợ phía sau. Thế nên khi Man City bế tắc, Haaland thường cũng mất hút.
Bằng chứng là trong 7 cuộc chạm trán các đội Big Six tại Premier League mùa này, có 4 trận tiền đạo chủ lực của Man City tịt ngòi, tỷ lệ rất cao so với hiệu suất hơn 1 bàn/trận chân sút này đang có được. Sự bùng nổ Haaland hay Man City có được chủ yếu đến từ cuộc chạm trán những đối thủ dưới cơ, trong một thế trận kiểm soát và thao túng hoàn toàn. Chẳng hạn như màn hủy diệt RB Leipzig tại vòng 1/8 Champions League, Haaland ghi 5 bàn còn Man City thắng 7-0.
Bayern Munich, đối thủ của Man City tại tứ kết là câu chuyện khác. Cho dù đột ngột thay tướng đi chăng nữa thì Hùm xám xứ Bavaria vẫn sở hữu lực lượng hùng mạnh, đủ sức đứng đầu Bundesliga cũng như toàn thắng 8 trận tại Champions League. Hơn nữa, Bayern là gã khổng lồ của bóng đá châu Âu, đội bóng hội tủ đủ mọi phẩm chất bản lĩnh, kinh nghiệm và đẳng cấp của hàng ngũ tinh hoa. Hơn nữa, tân thuyền trưởng của Bayern là Thomas Tuchel, bậc thầy chiến thuật, chuyên gia phá lối chơi và được xem là khắc tinh của Pep.
Tiếp đón Bayern không phải là cơ hội để lập kỷ lục như tiếp đón RB Leipzig. Tuy nhiên, tiếp đón Bayern là trận đấu bản lề của Man City lẫn Haaland tại Champions League mùa này. Một chiến thắng chứ chưa nói đến chiến thắng đậm như thực tế đã xảy ra sẽ đưa thầy trò Pep Guardiola vào bán kết, vòng đấu mọi đội bóng đều có quyền mơ tưởng tới chức vô địch. Đối với riêng Haaland, thắng Bayern là một áp lực, bởi 3 năm khoác áo Dortmund, tiền đạo này chưa từng trải qua niềm vui khải hoàn trước gã khổng lồ của bóng đá Đức.
Kết quả, Man City thắng 3-0, Haaland đóng góp 1 pha kiến tạo thành bàn và 1 bàn thắng. Trước Bayern lì lợm, Man City đã giành chiến thắng bằng bản sắc tầm soát và thao túng do HLV Guardiola kiên trì theo đuổi và xây dựng. Đội chủ nhà tạo áp lực trên khắp mặt sân, đặc biệt là trên tiền tuyến (1/3 sân cuối). Điểm nhấn không phải là thời lượng kiểm soát bóng hay số đường chuyền nữa, thông số ấn tượng nhất là 29 cú tắc bóng, cao gấp ba đối thủ.
Chính bởi áp lực khủng khiếp các cầu thủ trên hàng công Man City tạo ra ấy, hàng thủ Bayern đã trải qua một đêm ác mộng, đặc biệt là trung vệ Upamecano, người liên tục mắc lỗi nghiêm trọng. Haaland chính là linh hồn của những màn pressing khốc liệt ấy. Như thường lệ, tiền đạo người Na Uy chạm bóng rất ít. Thân hình hộ pháp cùng tốc lực kinh hoàng của Haaland phù hợp hơn với những màn săn đuổi bóng. Anh kết hợp với Grealish và Bernardo Silva tạo thành màn lưới sắt giăng ra bắt lấy trái bóng trong chân hàng thủ Bayern.
Từ một tình huống như vậy, phút 69, Jack Grealish cướp bóng rồi giật gót, Haaland băng lên bên cánh trái rồi tạt bóng như thể De Bruyne để Bernardo Silva đánh đầu nâng tỷ số lên 2-0. Chính từ thời khắc này, thế cục trận đấu mới được định đoạt. Đến phút 76, Haaland trở lại với công việc quen thuộc, với một tình huống “nhập thành” rồi sút tung lưới Bayern để ấn định tỷ số trận đấu. Đó là pha lập công thứ 11 tại Champions League, 45 trên mọi đấu trường của tiền đạo người Na Uy ở mùa giải này, một hiệu suất khủng khiếp.
Thông số chỉ ra rất rõ, cuộc tiếp đón Bayern tại Etihad, Man City chỉ cầm bóng vỏn vẹn 44%, chuyền bóng cũng ít hơn đối phương, với 427 đường chuyền cùng tỷ lệ chính xác chỉ 82% so với 558 đường chuyền với tỷ lệ chính xác 87% của Bayern. Thật khó để hình dung một đội bóng của Pep lại cầm bóng ít hơn đối phương như vậy. Và nếu không nhìn vào kết quả hay theo dõi trận đấu, thật dễ để mường tượng ra một thế trận Man City bị Bayern áp đảo.
Nhưng không, Man City đã thắng 3-0 trong một trận đấu Bayern mắc rất nhiều sai lầm nơi hàng phòng ngự. HLV Tuchel thậm chí lên tiếng chỉ trích cậu học trò Upamecano vì chơi quá tệ. “Hôm nay cậu ta mắc quá nhiều sai lầm. Cậu ta có 2, 3 tình huống thi đấu thiếu tập trung và đưa ra những quyết định quá mạo hiểm”, vị chiến lược gia người Đức trả lời phỏng vấn ngay sau trận đấu.
Tất nhiên, sai lầm nơi hàng phòng ngự phải quy trách nhiệm cho các hậu vệ và sai lầm thường đến từ những cầu thủ sa sút phong độ. Dù vậy, nếu Man City không tạo ra áp lực đủ lớn, các hậu vệ của Bayern đã không phạm sai lầm. Áp lực ở đây, như đã đề cập, được tạo thành từ tấm lưới sắt gây áp lực quyết liệt tầm cao Haaland-Silva-Grealish.
Haaland, như đã đề cập, không chạm bóng nhiều nhưng thân hình hộ pháp cùng những tốc lực kinh hoàng liên tục làm chao đảo hệ thống phòng ngự Bayern. Trong khi đó, Bernardo Silva chơi bóng đầy hưng phấn và xông xáo. Cầu thủ nhỏ con người Bồ Đào Nha gây náo loạn hàng thủ đối phương bằng những nỗ lực đột phá và tranh cướp không mệt mỏi. Ngoài ra, anh chính là tác giả đường chuyền kiến tạo cho Rodri ghi bàn mở tỷ số và đạt hiệu suất chuyền bóng chính xác 88%.
Cuối cùng, Jack Grealish có thể ví như một “hậu công” – hậu vệ chơi ở vị trí hộ công. Cầu thủ này nổi tiếng với khả năng rê dắt, nhưng điểm nổi bật trong thời gian qua tại Man City lại ở khả năng rượt đuổi, gây áp lực và tranh cướp bóng với các hậu vệ đối phương. Grealish từ nghệ sỹ thành chiến sỹ khi ngay phút 15 đã phải nhận thẻ vàng, nhưng tinh thần máu chiến không hề nguội lạnh cho đến phút cuối cùng.
Phút 14, Haaland ập vào vòng 5m50 và suýt chút nữa đoạt bóng thành công trong chân thủ thành Sommer. Khi bóng khẽ chạm vào chân tiền đạo người Na Uy sau cú phá bóng luống cuống của thủ môn người Thụy Sỹ, bất kỳ ai ủng hộ Bayern đều cảm thấy thót tim. Phút 50, tới lượt Grealish đuổi bắt bóng trong chân thủ môn Sommer và tạo ra tình huống lộn xộn sau đó, kết thúc bằng cú dứt điểm của Haaland. Tới phút 70 là bàn thắng nhân đôi cách biệt.
Bởi vậy, có thể nói những màn gây áp lực quyết liệt tầm cao (high-pressing) cùng bộ ba Haaland-Silva-Grealish chính là chìa khóa đánh bại Bayern của Man City, hay ví von một cách hình ảnh thì bộ ba tấn công này như tấm lưới sắt bắt hùm của Pep Guardiola.