Lên núi dựng chòi tìm sóng
Ngày 16/9, toàn bộ học sinh THCS huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An bắt đầu học trực tuyến trở lại sau một thời gian tạm nghỉ do dịch Covid-19.
Tuy nhiên, tại xã Tri Lễ, nơi giáp với nước bạn Lào sóng điện thoại chập chờn. Để có sóng, hai học sinh Xồng A Dần và Xồng A Thành, lớp 6A1, Trường dân tộc nội trú THCS Quế Phong phải lên núi cao, cách nhà cả cây số để tìm sóng học trực tuyến. Sau đó, gia đình đã làm tạm chòi bằng bạt đơn sơ trên núi cao cho hai em học tập.
Cô Lữ Thị Thanh Hải, giáo viên chủ nhiệm 2 học sinh nói trên chia sẻ: “Sáng 16/9, trường bắt đầu trở lại dạy học trực tuyến, chúng tôi không ngờ nhìn thấy hình ảnh của hai em. Quyết tâm kiếm cái chữ cho con, bố mẹ đã dựng chòi để kiếm sóng, tưởng như không thể mà đã thành có thể”.
Theo cô Hải, năm học 2021-2022, ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ duy nhất có 2 em Xồng A Dần và Xồng A Thành trúng tuyển vào lớp 6.
Tuy nhiên, sau ngày khai giảng, tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong xuất hiện 5 người trong một gia đình nhiễm Covid-19, trong đó có 3 học sinh. Vì vậy, huyện Quế Phong tạm dừng dạy học cả trực tiếp và trực tuyến từ ngày 10/9.
“Đến sáng hôm nay, toàn huyện cho các em tiếp tục trở lại học trực tuyến. Do 2 em Dần và Thành ở bản khó khăn nên cô sẽ đưa bài vào cho các em học. Tuy nhiên, đến sáng nay, bỗng nhiên được bố mẹ gửi hình ảnh 2 em lên núi cao để dò sóng để học nên chúng tôi vui mừng lắm”, cô Hải chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, gia đình của 2 học sinh Xồng A Dần và Xồng A Thành thuộc diện khó khăn. Hiện, cả 2 em vẫn đang phải sử dụng chung một máy điện thoại để học trực tuyến. Thế nhưng chiếc điện thoại này đã cũ nên việc bắt sóng cũng không tốt, ảnh hưởng đến việc học của các em.
“Trong đợt học trực tuyến này, trường đã triển khai việc đưa bài đến tận gia đình cho các em không đủ điều kiện để học trực tuyến. Sắp tới nhà trường sẽ tặng cho 2 em hai máy điện thoại để các em được học đầy đủ hơn”, cô Hải nói.
Gian nan “gieo chữ”
Cô Nguyễn Thị Ngân, Hiệu phó Trường dân tộc nội trú THCS Quế Phong cho biết, hiện tại xã biên giới Tri Lễ có 6 em học sinh người H'Mông từ lớp 6 đến lớp 9 theo học tại trường.
“Với các em gặp khó khăn trong học tập trực tuyến, thường các giáo viên phải rất linh động với nhiều hình thức. Ngoài việc giao bài chung từ trước cho cả lớp, những em không tham gia được lớp học trên nền tảng quản lý đào tạo trực tuyến, các cô giáo bộ môn hoặc nhắn tin, gọi điện nhắc lịch cập nhật bài giảng, bài tập hoặc chụp lại phiếu giao bài tập rồi gửi qua mạng xã hội zalo, facebook”, cô Ngân nói.
Cũng theo Hiệu phó Trường dân tộc nội trú THCS Quế Phong, để học sinh của mình có phương tiện học, các giáo viên phải rất vất vả khi vận động phụ huynh trang bị cho các em học trực tuyến. Bởi dịp này do dịch bệnh nên trường chưa họp mặt trực tiếp được nên giáo viên phải gọi điện thoại cho từng phụ huynh.
Ông Lữ Thanh Hà, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong cho biết, là một trong những địa phương có nhiều xã miền núi, vùng sâu, vùng xa nên việc học trực tuyến của học sinh càng cơ cực hơn bao giờ hết.
Đặc biệt, nhiều học sinh đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn hiện nay chuẩn bị được điện thoại học trực tuyến. Không những vậy, tại đây nhiều nơi chưa có sóng hoặc sóng rất yếu.
“Có hơn 20.000 học sinh thuộc các cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở phải dừng việc học, bao gồm cả học trực tiếp và học trực tuyến từ ngày 10/9. Hôm nay, chúng tôi mới chỉ tổ chức cho các học sinh cấp THCS học trực tuyến, thế nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thời điểm này, chúng tôi vẫn đang thận trọng khi tổ chức dạy học trở lại và dự kiến dịch bệnh trên địa bàn ổn định huyện mới tính tới phương án tổ chức dạy học trở lại bình thường”, ông Hà nói.