Ngày 6/12, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong kỷ nguyên số” theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, trong đó đầu cầu trực tiếp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và chủ trì Diễn đàn.
Dự diễn đàn tại đầu cầu chính ở Hà Nội có ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các bộ trưởng, thủ trưởng các ban, bộ, ngành Trung ương và nhiều chuyên gia, học giả, doanh nhân trong nước và quốc tế.
Hai mũi "giáp công" trong thời gian trạng thái bình thường mới
Sau khi nghe nhiều ý kiến tham luận đến từ các Bộ, ngành, học giả, nhà khoa học, đối tác nước ngoài cũng như cộng đồng doanh nghiệp, phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, sự tàn phá của Covid-19 là hết sức nặng nề, không chỉ với Việt Nam mà các nước trên thế giới trong 2 năm qua. Với sự đoàn kết, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, chuyển sang giai đoạn thích ứng kiểm soát hiệu quả an toàn, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển phục hồi tới đây.
"Gần đây thế giới xuất hiện chủng mới Omicron, các dự báo của các tổ chức quốc tế đều thấy dịch bệnh sẽ còn phức tạp, khó lường. Ứng phó tình hình mới, chúng ta không mất cảnh giác, chủ quan lơ là nhưng cũng vì thế lo sợ, mất bình tĩnh", Thủ tướng lưu ý.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm rõ những nội dung cốt lõi của 2 chương trình quan trọng Chính phủ đang tập trung hoàn thiện: chương trình phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế xã hội.
Về mối quan hệ giữa giữa 2 nhiệm vụ trên, Thủ tướng nhấn mạnh: "Hai chương trình này sẽ song song, hỗ trợ tác động lẫn nhau, làm tốt cái này thì làm tốt cái kia". Bởi thực tế trong suốt thời gian qua cho thấy, dịch bệnh tác động ngay tới phát triển kinh tế xã hội và ngược lại, nếu không phát triển được kinh tế xã hội thì sẽ không có nguồn lực chống dịch.
Phân tích chương trình phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng điểm lại một số vấn đề trong tâm như: Hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực y tế, bao gồm cả con người, cơ sở vật chất tài chính. Ngoài ra còn có các vấn đề khác về vắc-xin, điều trị, cách ly giải tỏa, xét nghiệm, nâng cao ý thức người dân…
Đề cập tới cách chống dịch hiện nay, Thủ tướng cho biết chúng ta chọn cách tiếp cận toàn dân để xử lý các vấn đề, lấy người dân là trung tâm, chủ thể. Chiến thắng đại dịch là chiến thắng của nhân dân.
Trong đó, 3 trụ cột chính trong phòng chống dịch là: Cách ly và giải tỏa thần tốc; xét nghiệm; giải pháp điều trị phù hợp hiệu quả. Công thức chống dịch chung đó là 5K + vắc-xin, thuốc + biện pháp điều trị + công nghệ + ý thức của người dân + các biện pháp khác.
Từ việc xây dựng công thức chống dịch, theo Thủ tướng phải thay đổi tư duy mới để chống dịch, trong đó Thủ tướng nhấn mạnh: "Không thể thiếu công nghệ được. Khi bình thường thì khác, nay đại dịch, chúng ta xử lý các vấn đề liên quan đến cả chục triệu người dân trong thời gian ngắn nhất có thể".
Đối với công tác bao phủ vắc-xin, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu phấn đấu chậm nhất tháng 12 này sẽ đảm bảo được 2 mũi vắc-xin cho các đối tượng trên 18 tuổi, tiêm vắc-xin mũi tăng cường, tiêm văc-xin cho trẻ từ 12-18 tuổi và nghiên cứu tiêm cho trẻ em nhỏ hơn nữa.
Về chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết sẽ tập trung một số nội dung quan trọng gồm các vấn đề y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tập trung hạ tầng chiến lược trong đó có hạ tầng chuyển đổi số.
Triển khai gói phục hồi, theo Thủ tướng, sẽ sử dụng công cụ về tiền tệ và tài khóa. "Chính sách tiền tệ tài khóa gắn chặt với nhau, thúc đẩy hỗ trợ lẫn nhau, không để xung đột, mâu thuẫn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Về an sinh xã hội, người đứng đầu Chính phủ cho biết sẽ tập trung vào trụ cột chính: Giảm thiểu khắc phục phòng ngừa rủi ro để người lao động thu nhập, cuộc sống ổn định.
"Hai chương trình đang tiếp tục hoàn thành để trình cấp có thẩm quyền. Cả hai đều sẽ được thực hiện gắn chặt với nhau, có sự lan tỏa. Việc hồi phục hay phát triển thì nội lực vẫn là cơ bản, lâu dài, còn ngoại lực là hỗ trợ, tạo đột phá", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
Đề cập đến những nguyên tắc chỉ đạo chung, Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh đặc biệt chúng ta cần tầm nhìn, hành động, cách làm đặc biệt. Tình hình nào thì quan điểm mục tiêu giải pháp đi theo tương ứng. Trước những diễn biến phức tạp thì cần có những nhiệm vụ giải pháp linh hoạt, thích ứng tình hình.
Cho rằng "khó khăn chỉ là tạm thời, nền kinh tế ổn định vững chắc, niềm tin doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế được giữ vững, tăng cường và củng cố", người đứng đầu Chính phủ định hướng "quá trình thực hiện, cái gì rõ thì làm, cái gì chưa rõ có thể mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện."
Tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp
Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn, nhìn lại bức tranh kinh tế sau hơn 35 năm Đổi mới, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho rằng Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH), trong giai đoạn vừa qua đã đạt được những tiến bộ đáng kể về kinh tế xã hội, trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp với tốc độ tăng trưởng ở mức cao, trung bình trên 6,6%/năm trong giai đoạn 2000-2019.
Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn thừa nhận: "Quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid 19 và thực hiện CNH, HĐH trên nền tảng Công nghiệp 4.0 đang gặp phải những trở ngại lớn, điển hình như mô hình tăng trưởng chưa dựa nhiều trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp; vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước nhằm nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH, chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững. Các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chậm được cụ thể hóa. CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn còn thiếu một chiến lược phát triển rõ ràng".
Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, thực tiễn 35 năm qua tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn về CNH, HĐH cần phải tập trung giải quyết để đạt được các mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Yêu cầu cấp bách đặt ra là phải xác định rõ triết lý phát triển, mô hình và chính sách CNH, HĐH phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới của giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
"Hiện nay, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu, làm thay đổi căn bản tư duy về CNH, HĐH. Công nghệ sản xuất kỹ thuật số tiên tiến có thể thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững trong tất cả các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ", lãnh đạo Ban Kinh tế chia sẻ.
Không có chính sách hỗ trợ, nền kinh tế không thể sớm phục hồi
Trình bày về khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với chiến lược phòng, chống dịch Covid-19, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra tác động to lớn của dịch Covid-19 đến sức khỏe nền kinh tế cũng như đời sống của người dân.
Trong bối cảnh đó, nhiều giải pháp, chính sách đã được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn của dịch bệnh, duy trì và ổn định đời sóng, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Phương cũng cho rằng, nếu không có chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời, nền kinh tế không thể sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại như trước khi có dịch; ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, các kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm và có nguy cơ lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế toàn cầu.
“Việc xây dựng Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết”, ông Phương khẳng định.
Mục tiêu của chương trình này là khôi phục nhanh các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động và thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5 - 7%/năm, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.
5 nhóm nhiệm vụ được đưa ra gồm: Thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch; an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tương ứng với các nhóm nhiệm vụ, chương trình phục hội nêu rõ các giải pháp cụ thể. Trong đó, thực hiện lộ trình mở cửa phù hợp đối với du lịch, vận tải hàng không, các dịch vụ, thúc đẩy xã hội hóa, bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống dịch; hỗ trợ chi phí thuê nhà cho người lao động…
Thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, các chính sách cơ cấu lại nợ; tiếp tục cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; hỗ trợ lãi suất cho vay hợp lý; tiết giảm chi phí hoạt động của các ngân hàng thương mại. Có chính sách ưu tiên như sản xuất và chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ vận tải, du lịch, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo…
Đồng thời, tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có sức lan tỏa lớn, tác động nhanh đến phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng, địa bàn động lực tăng trưởng. Nâng cao năng lực quản trị xã hội, quản lý Nhà nước, xử lý tình huống của cán bộ các cấp; đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính….