Sở hữu hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại cùng sự “ưu ái” của điều kiện tự nhiên, Hải Phòng đang quyết tâm vươn mình ra thế giới, hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2050 trở thành Thành phố hàng hải toàn cầu và trung tâm du lịch biển mang tầm cỡ quốc tế.
2050 - Thành phố hàng hải toàn cầu sẽ “gọi tên” Hải Phòng
Theo báo cáo được trình bày tại Hội nghị Thẩm định Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch đã đặt mục tiêu phát triển thành phố đến năm 2030 trở thành một thành phố cảng biển lớn, nơi giao cắt của một trong những tam giác kinh tế phát triển sôi động bậc nhất là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đóng vai trò là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước.
Dưới góc nhìn vĩ mô, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Hải Phòng là địa phương có vị trí đặc biệt quan trọng của cả nước, hội tụ đầy đủ 5 loại hình giao thông như: đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không và thủy nội địa; cùng các điều kiện về thiên nhiên, con người, lịch sử văn hóa… để phát triển bứt phá trong thời kỳ quy hoạch.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng định hướng trở thành Thành phố hàng hải toàn cầu, có trình độ phát triển cao, môi trường sống tốt, ngang tầm với các thành phố cảng hàng đầu Châu Á và thế giới. Hải Phòng sẽ phát triển với 3 trụ cột phát triển chính, gồm: dịch vụ cảng biển; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và đặc biệt phát triển trung tâm du lịch biển quốc tế.
Đẩy mạnh phát triển Kinh tế ven biển phía Nam
Một trong những “bước đi” đầu tiên của Hải Phòng nhằm hiện thực hóa mục tiêu tầm nhìn 2050 là quy hoạch và xây dựng Cảng Nam Đồ Sơn gắn với việc thành lập Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng; kết nối đường cao tốc ven biển, sân bay Tiên Lãng; mở rộng không gian phát triển kinh tế biển. Mục tiêu phát triển này đóng góp vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung; giúp mở rộng mạng lưới liên kết vùng, phát huy lợi thế khu vực, thúc đẩy giao thương mạnh mẽ, tạo đào phát triển nền kinh tế chung cho toàn vùng.
Thành phố sẽ xây dựng cảng cửa ngõ Lạch Huyện và cảng Nam Đồ Sơn thành cụm cảng cửa ngõ quốc tế có chức năng trung chuyển container; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển và logistics; mở rộng không gian phát triển khu kinh tế ven biển trên địa bàn Thành phố. Đây chính là đòn bẩy để từng bước xây dựng cảng biển Hải Phòng trở thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế - nơi giao thương sầm uất bậc nhất Việt Nam, góp phần giảm chi phí logistic, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm du lịch biển quốc tế
Về phát triển du lịch, Hải Phòng xác định việc xây dựng quần thể du lịch biển có sức hấp dẫn cao, đưa du lịch thực sự trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Đồng thời, liên kết với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là Quảng Ninh và các tỉnh Duyên hải Đông Bắc, trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới. Theo Quyết định số 323/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quy hoạch mạng lưới du lịch Hải Phòng đến năm 2030 có đủ khả năng đáp ứng cho 30 - 35 triệu lượt khách, đến năm 2040 khoảng 35 - 40 triệu lượt.
Ông Vũ Huy Thưởng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho biết, du lịch biển chính là thế mạnh của Hải Phòng với hai địa danh du lịch nổi tiếng, trong đó có Quận Đồ Sơn. Theo hồ sơ dự thảo quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồ Sơn dự kiến sẽ được xây dựng và phát triển trở thành đô thị du lịch biển theo hướng hiện đại, thông minh; hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I trước năm 2025 và từng bước xây dựng các tiêu chí của đô thị đặc biệt, mở rộng không gian đô thị phía tây.
Nhằm cụ thể hóa dần mục tiêu đó, Đồ Sơn đã và đang mời gọi được các nhà đầu tư lớn đến đầu tư, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo. Trong đó, có phải kể đến Dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng do Công ty cổ phần Đầu tư và du lịch Vạn Hương làm chủ đầu tư. Dragon Ocean Đồ Sơn được đánh giá là dự án trọng điểm không chỉ của thành phố mà của miền Bắc, mang tới một Siêu quần thể nghỉ dưỡng, thể thao và vui chơi giải trí hoàn toàn trên biển với việc tích hợp đầy đủ 5 loại hình du lịch trong một điểm đến.
Sau hơn 1 năm ra mắt và chính thức đi vào vận hành từ 2022, dự án đang sở hữu cho mình bộ sưu tập những con số ấn tượng như cùng Đồ Sơn đón tiếp khoảng 2 triệu lượt khách, điểm hẹn của hơn 30 sự kiện văn hóa nghệ thuật và cộng đồng quy mô lớn, điển hình là sự kiện xếp xe kỷ lục hình bản đồ Việt Nam quy tụ 1.700 ô tô trên khắp cả nước.
Trong năm 2023 dự án cũng ra mắt thêm hàng loạt tiện ích mới như: bãi biển Dragon Beach, Khách sạn 5 sao, Sân Golf trên biển, Khu du lịch tâm linh, Quảng trường biển, Nhà hàng con Sò, Beach Bar, Camping….; tiếp tục tạo nên “cú huých” cho sự phát triển vượt bậc của du lịch Đồ Sơn 2023. Theo thống kê của Phòng văn hoá quận Đồ Sơn cho biết, Quận đã đón gần 300.000 lượt khách trong kỳ nghỉ dài của mùa hè năm 2023 - tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ 2022; đồng thời KDL Quốc tế Đồi Rồng cũng liên tiếp đón hơn 10.000 lượt khách vào mỗi dịp cuối tuần trong đợt hè cao điểm. Qua đó cho thấy Đồi Rồng nói riêng và Quận Đồ Sơn nói chung đang từng bước phát triển để “phá vỡ” mục tiêu thu hút 2,5 triệu lượt khách du lịch trong năm 2023.
Bên cạnh đó, khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng vẫn đang tiếp tục mở rộng đầu tư, triển khai xây dựng, hoàn thiện để tiếp tục “trình làng” những công trình mới trong giai đoạn tiếp theo như: Công viên nước Legend Park, Bãi biển Cát Long, Quảng trường biển Dragon Beach 2, Bến du thuyền,…
Với việc lần lượt đưa vào khai thác vận hành hàng loạt các tiện ích trọng điểm, Khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng được kỳ vọng sẽ giúp thay đổi diện mạo du lịch Đồ Sơn, đóng góp trong công cuộc hiện thực hóa mục tiêu đưa Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch biển quốc tế.
PV