Hạn chót áp thuế quan “có đi có lại” của ông Trump cận kề

Thứ 2, 07/07/2025 10:24

Hạn 90 ngày mà Tổng thống Donald Trump đặt ra cho các quốc gia tìm kiếm thỏa thuận thương mại với Mỹ hoặc có nguy cơ chịu mức thuế quan cao hơn đáng kể đang cận kề.

Khó có thể biết được điều gì sẽ xảy ra sau 0h ngày 9/7 (giờ địa phương), và cả thế giới đều đang theo dõi chặt chẽ mọi bình luận và động thái từ chính quyền Trump.

Tuần qua chứng kiến cuộc chạy nước rút của nhiều đối tác để đảm bảo các thỏa thuận thương mại với Mỹ hoặc vận động hành lang để có thêm thời gian đàm phán.

"Chúng tôi sẽ rất bận rộn trong 72 giờ tới", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết trên chương trình "State of the Union" của CNN hôm 6/7, ám chỉ đến thời gian còn lại trước thời hạn ngày 9/7 của chính quyền.

Đồng thời, ông Bessent cũng chỉ ra rằng vẫn còn cơ hội đàm phán cho một số quốc gia không đạt được thỏa thuận trước hạn chót.

Trong các cuộc phỏng vấn trên CNN hôm 6/7, ông Bessent ám chỉ rằng các lá thư mà Tổng thống Trump chuẩn bị gửi cho các đối tác thương mại trong tuần này không phải là lời cuối cùng về mức thuế quan ngay lập tức mà quốc gia nhận được thư phải chịu.

Các khoản thuế sẽ có hiệu lực vào ngày 1/8, vì vậy vẫn còn thời gian cho những quốc gia chưa đạt được thỏa thuận để đưa ra các đề xuất, Bộ trưởng Bessent nói, nhưng từ chối mô tả ngày này là hạn chót mới.

"Nếu các vị muốn đẩy nhanh mọi thứ, hãy làm điều đó", ông Bessent cho biết khi nói về các quốc gia nhận được thư. "Nếu các vị muốn quay lại mức cũ, đó là lựa chọn của các vị".

Hạn chót áp thuế quan “có đi có lại” của ông Trump cận kề- Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent. Ảnh: Getty Images

Trên Fox News hôm 6/7, trong bối cảnh "có rất nhiều sự tắc nghẽn khi bước vào chặng nước rút", vị Bộ trưởng giải thích rằng các bức thư sẽ giống như một lời cảnh báo có tác dụng thúc đẩy mọi thứ trong vài ngày và vài tuần tới.

Ông Trump đã gợi ý rằng các lá thư sẽ bao gồm mức thuế suất ở mức cơ sở hiện tại là 10% hoặc lên tới 70%. Ông Bessent thông tin thêm rằng Mỹ sẽ không áp dụng mức thuế quan 70% đối với các đối tác thương mại lớn.

Bộ trưởng Bessent cho biết, Washington đang gây áp lực tối đa lên các đối tác thương mại và đã có "tiến triển rất tốt" trong các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) – một khối gồm 27 quốc gia chiếm gần 1/5 tổng kim ngạch thương mại hàng hóa của Mỹ.

Trong khi một thỏa thuận tạm thời với Ấn Độ cũng được kỳ vọng sẽ đạt được, các quan chức ở New Delhi đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn trong những ngày gần đây, đe dọa đánh thuế một số hàng hóa của Mỹ để trả đũa việc Washington áp thuế cao hơn đối với ô tô và linh kiện từ quốc gia Nam Á.

Hàn Quốc cũng lo ngại về thuế ô tô và đã thảo luận với các quan chức Mỹ về việc gia hạn thời hạn trong nỗ lực cuối cùng nhằm tránh việc bị tăng thuế.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết nước này đã chuẩn bị cho mọi kịch bản thuế quan có thể xảy ra.

Chính phủ Campuchia cho biết trong một tuyên bố hôm 4/7 rằng họ đã nhất trí với Mỹ về một thỏa thuận khung sẽ sớm được công bố, với cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ.

Indonesia đã bày tỏ sự tự tin rằng họ sắp đạt được một thỏa thuận thương mại "táo bạo" với Mỹ, bao gồm các khoáng sản quan trọng, năng lượng, hợp tác quốc phòng và tiếp cận thị trường.

Thái Lan đang thực hiện nỗ lực cuối cùng để tránh mức thuế quan đối ứng 36% bằng cách đề xuất mở rộng thị trường cho hàng nông sản và hàng công nghiệp của Mỹ, cùng với việc tăng mua năng lượng và máy bay phản lực Boeing.

Minh Đức (Theo CNN, Bloomberg)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.