Hàng triệu đàn ông Trung Quốc chấp nhận ở rể dù khổ sở trăm bề, lý do gây bất ngờ

Thứ 7, 18/02/2023 04:55

Nhiều đàn ông Trung Quốc chấp nhận cuộc sống ở rể nhưng đồng nghĩa với việc họ phải đối mặt với nhiều nỗi khổ mấy ai thấu.

Hãy thử tưởng tượng bạn là một người đàn ông sống trong nhà của bố mẹ vợ. Nơi đây, bạn thường xuyên bị mắng mỏ vì thu nhập không cao và có nhiều khuyết điểm. Rồi vào một ngày đẹp trời, bạn phát hiện mình là người thừa kế của gia tộc giàu có, kể từ đó, cha mẹ vợ đã thay đổi hoàn toàn cách cư xử. Vì thế mà bạn một bước lên tiên!

Nghe có vẻ lạ kỳ nhưng đây là một cốt truyện phổ biến ở các cuốn tiểu thuyết đang thịnh hành trên mạng ở Trung Quốc. Đất nước tỷ dân này có một lượng độc giả tiểu thuyết khổng lồ, những câu chuyện này thường xuất phát từ mong muốn ngoài đời thực của nhiều người. Có thể nói rằng, những tiểu thuyết nói về chủ đề đàn ông đi ở rể đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây.

Trong một câu chuyện điển hình, nhân vật chính bao giờ cũng là chàng rể bị nhà vợ khinh thường. Tuy nhiên, về sau người này đã đảo ngược tình thế, trở thành đàn ông có "siêu năng lực", được mọi người kính nể với sự nghiệp lẫy lừng, tiền bạc nhiều như nước. Không chỉ trong tiểu thuyết mà tại các video ngắn cũng xây dựng nội dung những người đàn ông ở rể bị "áp bức".

img

Chủ đề đàn ông đi ở rể nhận được nhiều sự quan tâm ở Trung Quốc.

Đàn ông ở rể là kém cỏi?

Trong xã hội vẫn còn mang nặng tư tưởng xưa cũ ở Trung Quốc, những người phụ nữ sau khi kết hôn thường phải sống chung và chăm lo cho gia đình nhà chồng vì đàn ông là trụ cột, làm chủ cả gia đình. Chính vì vậy, việc đàn ông thời nay sống cùng nhà vợ bị đánh giá là kém cỏi, hèn nhát, không có bản lĩnh nên mới phải nhờ đến sự hỗ trợ của gia đình vợ.

Điều đáng nói là nhiều đàn ông trung niên ở quốc gia tỷ dân này lại là độc giả trung thành của những tiểu thuyết kể trên. Một nhà văn kiêm nhà phê bình Trung Quốc phân tích: "Nhiều đàn ông trung niên đã dành cả nửa cuộc đời mình bị vợ và nhà vợ ức hiếp thường tưởng tượng rằng một ngày nào đó họ sẽ vùng lên thực hiện cuộc đảo chính vĩ đại".

Sau 10 năm chung sống trong sự bất hòa, anh Ma Xuedong đã quyết định ly hôn và chuyển ra khỏi nhà vợ: "Cuộc sống trước kia quá ngột ngạt. Đó là cảm giác mà bạn không bao giờ có thể hiểu được nếu chưa từng trải qua".

img

Nhiều đàn ông Trung Quốc cảm thấy khổ sở, khó khăn khi ở rể.

Anh Ma nói rằng, những người đàn ông chấp nhận ở rể tại Trung Quốc không bao giờ có thể trở thành một phần của gia đình nhà vợ. Sau khi ly hôn, anh Ma cảm thấy cuộc đời được tự do mặc dù anh ra đi tay trắng, không được nhận bất kỳ tài sản nào. "Cha mẹ vợ luôn coi tôi là một thằng nghèo kiết xác đến từ vùng núi xa xôi", anh Ma cho hay. 

Vì sao phải ở rể?

Sự mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến đàn ông nước này chấp nhận đi ở rể. Một số chàng trai không có điều kiện kinh tế để đáp ứng khoản tiền thách cưới và các yêu cầu khác như có nhà cửa đàng hoàng, xe cộ đi lại từ bên nhà gái.

Vì ảnh hưởng của chính sách một con mà nhiều gia đình chỉ có một người con gái độc nhất. Chính vì thế nhà cô gái luôn đưa ra các yêu cầu cao ngất để kén rể, tìm cho con một tấm chồng ưng ý, sống sung sướng cả đời. Do đó, những người đàn ông này muốn lấy được vợ họ buộc phải chuyển tới nhà cô gái để sinh sống. Nếu không một là họ phải cật lực kiếm tiền, hai là chấp nhận bị ế.

Anh Ma sinh ra tại làng Mabaozi, nơi nhiều nam thanh niên đối mặt với tương lai ở rể vì đó là cách duy nhất để họ lấy được vợ. Gần 80% đàn ông đứng tuổi trong làng phải đi ở rể vì không một cô gái nào muốn chuyển tới ngôi làng nghèo khó của họ để sinh sống lâu dài. 

img

Đàn ông ở rể vì điều kiện khó khăn hơn nhà gái.

Zhang Baotong, một chuyên gia phát triển kinh tế và xã hội tại Viện Khoa học Xã hội Thiểm Tây, cho biết những anh chàng ở rể nên học cách hòa hợp với gia đình vợ và mọi người trong cộng đồng của họ. Ngoài ra, ông cũng nói rằng, các giới đều bình đẳng như nhau trong xã hội hiện đại và các cặp đôi nên lựa chọn hình thức cưới phù hợp với điều kiện của mình.

"Với sự phát triển của đô thị hóa, ngày càng nhiều nông dân có hoàn cảnh khó khăn phải làm việc và sống ở khu vực thành thị và một số đã chọn cách ở rể vì họ không đủ tiền để mua nhà và trả các chi phí khác cho đám cưới. Và quan niệm về hôn nhân của chúng ta nên thay đổi với sự phát triển của thời gian để dành sự tôn trọng đầy đủ cho các chàng rể",  Zhang nói.

Ngọc Linh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.