"Hãy mạnh dạn mở cửa du lịch, không cần lo số ca nhiễm vào Việt Nam"

"Hãy mạnh dạn mở cửa du lịch, không cần lo số ca nhiễm vào Việt Nam"

Đinh Lạc Thành

Đinh Lạc Thành

Thứ 6, 11/03/2022 21:00

Các chuyên gia đều cho rằng, việc mở cửa du lịch quốc tế từ 15/3 tới đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc đón khách du lịch đến Việt Nam.

Ngày 11/3 tại Hà Nội, diễn đàn Luồng xanh cho du lịch cất cánh: Mở cửa du lịch linh hoạt, an toàn, hiệu quả đã được tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành, Hiệp hội Khách sạn; Sở Du lịch Hà Nội, Hải Dương, Kiên Giang, Lào Cai, Đà Nẵng, Khánh Hoà; và hàng chục doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nghỉ dưỡng...

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Giám đốc Sở du lịch Hà Nội cho biết: "Để chuẩn bị cho việc mở cửa các hoạt động du lịch trở lại Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ cho hơn 4.000 doanh nghiệp với kinh phí gần 15 tỷ đồng, miễn giảm tiền điện cho cơ sở lưu trú, giảm tiền ký quỹ 80% đối với doanh nghiệp khi thành lập mới. Đồng thời, đẩy mạnh nhiều hoạt động quảng bá du lịch ra thế giới cũng như thu hút khách du lịch trong nước đến Hà Nội; xây dựng các sản phẩm du lịch thích ứng an toàn hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.

Vừa qua Hà Nội đã chủ trì cùng với 12 địa phương tiến hành chương trình kết nối hành lang du lịch an toàn ngay trong giữa các địa phương. Hà Nội đã giao Tổng công ty Du lịch Hà Nội đang triển khai các sản phẩm kết nối với các địa phương để thúc đẩy ngay du lịch của người dân. Dù tỷ lệ tiêm chủng của Hà Nội trên 99% là con số cũng rất cao, nhưng mà trong thời gian ngắn gần đây tỷ lệ nhiễm Covid-19 ở thể nhẹ ở cộng đồng, cũng gây ra tâm lý ảnh hưởng đến cho du khách trong và ngoài nước. Vì thế chúng tôi cũng có xây dựng các sản phẩm du lịch để thích ứng cho phù hợp với tình hình hiện tại".

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL) cho rằng, trong điều kiện bình thường mới hiện nay, Việt Nam cần khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh cho khách du lịch để thu hút khách quốc tế.

Tiêu điểm - 'Hãy mạnh dạn mở cửa du lịch, không cần lo số ca nhiễm vào Việt Nam'

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL).

Ông Khánh nói: "Để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Sau hai năm bị tàn phá bởi làn sóng Covid-19, phần lớn doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc đã đóng cửa, nguồn nhân lực du lịch suy giảm, nhân sự rời bỏ thị trường du lịch. Doanh nghiệp du lịch cần quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, bảo trì bảo dưỡng trang thiết bị, cơ sở vật chất, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự để đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để mở cửa lại hoạt động du lịch".

"Đến nay, sau hai năm chống chọi với đại dịch, nhiều quốc gia đã dần điều chỉnh quan điểm chống dịch Covid-19, từ “không Covid-19” chuyển sang “thích ứng, chung sống với Covid-19” nhằm tái khởi động, sớm đưa cuộc sống quay trở lại bình thường trong bối cảnh mới. Các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan… cho phép đón khách du lịch quốc tế, Liên minh Châu Âu mở cửa cho đi lại nội khối và cho phép công dân các nước thứ ba nhập cảnh có các điều kiện.

Thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách kịp thời hỗ trợ khó khăn đối với doanh nghiệp, người lao động cũng như các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới. Với chương trình tiêm chủng quốc gia lớn nhất đã và đang được triển khai cũng như việc Việt Nam dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế từ ngày 15/02/2022 khiến cho ngành Du lịch có những điều kiện thuận lợi tái khởi động du lịch" - Ông Khánh thông tin.

Tại diễn đàn, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), giám đốc văn phòng giới sử dụng lao động VCCI, cho biết ở góc độ kinh doanh, trong hơn 2 năm qua, dưới tác động của đại dịch Covid-19 khiến du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu, chệnh hướng quỹ đạo tăng trưởng. Tuy nhiên, trước làn sóng mở cửa toàn cầu, thời điểm này chính là cơ hội đặc biệt để ngành đón đầu nhu cầu du lịch mang tính toàn cầu.

“Chúng ta hiện là 1 trong 10 nước có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cao nhất thế giới, đây là một trong những cơ sở để Việt Nam tự tin mở lại đường bay đến các nước và vùng lãnh thổ và hiện là chuẩn bị đến du lịch”, bà Lan Anh nói.

Tiêu điểm - 'Hãy mạnh dạn mở cửa du lịch, không cần lo số ca nhiễm vào Việt Nam' (Hình 2).

Ông Trần Đắc Phu, Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng.

Nói về việc khôi phục du lịch đồng thời đẩy mạnh việc phòng chống dịch bệnh, ông Trần Đắc Phu, Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) dẫn chứng: "Việt Nam có hơn 5 triệu ca mắc Covid-19, trong đó 99,7% là ca nhiễm trong nước, còn 0,3% là của người nhập cảnh. Số ca nhiễm từ địa phương này tới địa phương khác lớn hơn rất nhiều, hãy mạnh dạn mở cửa du lịch, không cần lo số ca nhiễm từ quốc tế vào Việt Nam".

Ông Trần Đắc Phu cho biết thêm: "Việt Nam đã bước sang giai đoạn khác của phòng chống dịch, khi Hà Nội và 62 tỉnh, thành có độ phủ vắc-xin cao, số ca mắc lớn nhưng không nhiều triệu chứng nặng. Với kinh nghiệm, năng lực đã có, hệ thống y tế sẽ không quá tải, tỷ lệ tử vong không cao. Đây là lý do chúng ta có thể mở cửa và cần thay đổi quan điểm, chấp nhận có người nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, chuyển từ cấm đoán sang kiểm soát rủi ro.

Phòng bệnh trong du lịch phức tạp vì di chuyển nhiều nơi, nhiều môi trường tiếp xúc khác nhau, có cả nguy cơ cao và nguy cơ thấp. Vì vậy du lịch khép kín, nhóm nhỏ được khuyến khích. Đặc biệt mỗi địa phương có diễn biến dịch khác nhau cần theo dõi. Những địa phương miền núi với mật độ dân số thấp có thể mạnh dạn mở cửa du lịch khép kín".

Là tác giả của thông điệp 5K, ông Phu cho rằng hiện nay có thể áp dụng linh hoạt, chỉ khuyến khích đeo khẩu trang tối đa nhất có thể và khử khuẩn tay. Về khoảng cách, nên chia theo nhóm, theo đoàn và tránh tụ tập giữa các đoàn. "Điều quan trọng nhất, ngành du lịch cần xây dựng phương án theo từng đặc thù của các loại hình du lịch. Và đã mở cửa là đồng bộ, tránh mỗi nơi một kiểu, gây bối rối cho du khách" - Ông Phu cho biết.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch, kỳ vọng với những điều kiện như tiến sĩ Trần Đắc Phu đề cập, Bộ Y tế sẽ sớm có hướng dẫn để ngành du lịch áp dụng mở cửa lại đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả, thay thế góp ý trước đây, quy định về khách nhập cảnh.

"Chúng tôi mong rằng với hiệu quả tiêm chủng, khách quốc tế và khách nội địa được đối xử như nhau. Mốc 15/3 mở cửa rất cần sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan trung ương, cộng đồng người làm du lịch. Chúng tôi kỳ vọng các bộ, ngành chuyên môn sớm có góp ý để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm ban hành hướng dẫn", ông nói.

Tiêu điểm - 'Hãy mạnh dạn mở cửa du lịch, không cần lo số ca nhiễm vào Việt Nam' (Hình 3).

Toàn cảnh diễn đàn Luồng xanh cho du lịch cất cánh: Mở cửa du lịch linh hoạt, an toàn, hiệu quả ngày 11/3.

Bà Phan Thị Minh Giang, Trợ lý Cục trưởng Trưởng phòng Cục lãnh sự (Bộ Ngoại giao), nhấn mạnh trong bối cảnh mở cửa lại du lịch, cùng với việc điều chỉnh chính sách thị thực thì cần hài hòa về phòng chống dịch. "Phòng, chống dịch Covid-19 của chúng ta có thể đánh giá hoàn toàn trong tầm kiểm soát, tất cả thực hiện nghiêm túc, hiệu quả theo nghị quyết 128 của Chính phủ", bà nói.

Bộ Ngoại giao nhận được công hàm của Đại sứ quán Mỹ, từ ngày 28/2 Mỹ nâng cấp độ dịch của Việt Nam lên cấp độ 4, rất cao và cảnh báo không đi lại. Về góc độ của Bộ Ngoại giao thì đây chỉ là đánh giá chung, ngoài Việt Nam còn 160 quốc gia khác như vậy. Tuy nhiên trong bối cảnh mở cửa lại du lịch thì đây cũng là vấn đề cần nghiên cứu kỹ.

"Bộ Ngoại giao, cùng các Bộ, ngành đã đồng hành cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong mở cửa du lịch từ rất sớm. Ngày 1/3 đã có ba đề xuất, trong đó khôi phục chính sách miễn thị thực song phương, ngoài ra là đơn phương với 13 nước. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để thực sự mở cửa, tăng cường khách tới Việt Nam" bà nói.

Ông Trần Đắc Phu cho biết thêm: "Với đặc thù của ngành du lịch, việc chỉ đạo hướng dẫn cần đồng bộ. Nếu mỗi địa phương làm một kiểu, du khách cũng không biết thực hiện thế nào. Chúng ta cần khuyến khích du lịch khép kín, theo nhóm. Chúng ta không lạm dụng đánh giá F1 và cần cách ly theo quy định. Những quyển cẩm nang, tờ rơi hướng dẫn cũng cần được biên soạn, phát hành và gửi tới tay du khách để họ nắm rõ quy định.

Dịch xảy ra trên phạm vi cả nước nhưng tỷ lệ mắc, tử vong hay tiêm là khác nhau ở mỗi tỉnh thành. Chúng ta có thể căn cứ vào đó để mở cửa du lịch khép kín theo từng địa phương. Chúng ta mở cửa an toàn vì có mở cửa mới có khách du lịch".

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế cho biết, chính sách cách ly cho người nhập cảnh cần được thực hiện thuận tiện. Hiện tại, đang có đề xuất người có kết quả xét nghiệm âm tính trong 24 giờ không phải cách ly.

Phương án cụ thể mở cửa lại hoạt động du lịch đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ để sớm ban hành trước ngày 15/3.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.