Các xe phóng rải mìn của Nga có thiết kế tương tự như pháo phản lực phóng loạt.
Hệ thống rải mìn từ xa Zemledeliye đang tạo ra sự hỗn loạn mỗi khi các đơn vị tăng thiết giáp Ukraine tiến công, theo báo Nga Sputnik.
"Thuộc sở hữu của lực lượng công binh thay vì pháo binh, hệ thống rải mìn từ xa Zemledeliye tạo ra thách thức đáng kể với Ukraine trong chiến dịch phản công", báo Nga dẫn nguồn tin từ truyền thông Mỹ cho biết.
Ví dụ điển hình là đợt phản công do Lữ đoàn cơ giới số 47 của Ukraine thực hiện vào đầu tháng 6 ở khu vực gần làng Malaya Tokmachka. Đơn vị Ukraine không vượt qua được bãi mìn do hệ thống Zemledeliye tạo ra và thậm chí còn nhiều lần cán phải mìn, dẫn đến tổn thất gồm 2 xe tăng Leopard và 16 xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley.
Binh sĩ Nga kiểm tra hệ thống rải mìn từ xa Zemledeliye.
Theo Sputnik, xe tăng Leopard 2 nặng 70 tấn luôn có khả năng bị mìn rải từ hệ thống Zemledeliye làm tê liệt nếu cán phải. Trong trường hợp đó, kíp lái không thể sửa chữa tại chỗ mà chỉ còn cách bỏ xe.
Hệ thống rải mìn từ xa Zemledeliye được quân đội Nga chính thức giới thiệu vào ngày 24/6/2020. Tháng 4/2022, hệ thống này đã được Nga đưa vào sử dụng trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Nhìn bề ngoài, Zemledeliye có thiết kế giống hết các hệ thống pháo phản lực thông thường. Hệ thống gồm bệ phóng rocket, được đặt trên khung gầm xe tải KamAZ 8x8.
Hệ thống nạp đạn rất nhanh theo cơ chế thay bệ phóng dạng module.
Hệ thống Zemledeliye được trang bị hai bệ phóng rocket cỡ 122mm, mỗi bệ phóng mang theo tối đa 25 quả đạn. Đạn rocket có tầm bắn 5 - 15km, khi bay tới khu vực cụ thể sẽ phóng ra những quả mìn, gồm mìn chống tăng và mìn chống bộ binh.
Cơ chế nạp đạn của hệ thống Zemledeliye khá giống pháo phản lực HIMARS của Mỹ, trong đó công binh Nga sẽ thay cả cụm bệ phóng, giúp đưa hệ thống quay lại chiến đấu trong thời gian ngắn.
Với thiết kế cơ động và khả năng nạp đạn nhanh, hệ thống không chỉ được sử dụng trong chiến lược rải mìn cố định, mà còn tích cực di chuyển trên chiến trường, đóng vai trò phóng ra những quả mìn để chặn đường rút lui của đối phương.
Mìn chống bộ binh POM-3 của hệ thống Zemledeliye.
Mìn chống bộ binh POM-3 hay chống tăng PTM-3 được hệ thống Zemledeliye sử dụng có cơ chế hoạt động thông minh. Khi tiếp cận mặt đất, mìn sẽ tự động đào sâu để chôn giấu, phát nổ khi có mục tiêu đến gần hoặc bị phương tiện di chuyển của đối phương chèn qua. Nếu rơi xuống khu vực có nền đất cứng, sáu chân lò xo sẽ được kích hoạt, đặt quả mìn ở vị trí thẳng đứng.
Mìn có thể tự hủy bằng cách đặt hẹn giờ và được kích hoạt từ xa. Cơ chế này giúp làm giảm nguy cơ vẫn còn mìn chưa nổ sót lại và dọn đường để đồng đội tiến công.
Hệ thống rải mìn Zemledeliye được tích hợp máy tính tiên tiến, cho phép tính toán quỹ đạo và số lượng mìn cần thiết để rải trong một phạm vi cố định. Tất cả dữ liệu về bãi mìn đều được truyền tải tới sở chỉ huy Nga để các đơn vị chiến đấu có thể nắm rõ.
Đăng Nguyễn - Sputnik