Hé lộ số lượng vũ khí tấn công chiến lược trong “kho” của Nga-Mỹ

Hé lộ số lượng vũ khí tấn công chiến lược trong “kho” của Nga-Mỹ

Vũ Thu Hương

Vũ Thu Hương

Thứ 3, 25/05/2021 09:01

Bộ Ngoại giao Nga đã công bố dữ liệu về tổng lượng vũ khí tấn công chiến lược mà Nga và Mỹ sở hữu tính đến ngày 1/ 3/ 2021.

Theo tài liệu, Nga sở hữu 517 đơn vị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng đã triển khai, trong khi Mỹ có 651 đơn vị. Ngoài ra, Nga có 1.456 đầu đạn trên các ICBM, SLBM và đầu đạn hạt nhân trên các máy bay ném bom hạng nặng đã triển khai, trong khi con số này của Mỹ là 1.357.

Cũng theo Bộ Ngoại giao Nga, Moscow sở hữu 767 bệ phóng ICBM, SLBM và máy bay ném bom hạng nặng đã triển khai và không triển khai còn Washington sở hữu 800 chiếc trong số đó.

"Thông tin về tổng lượng vũ khí tấn công chiến lược của Nga và Mỹ được cung cấp tính đến ngày 1/ 3/2021, dựa trên các thông báo mà các bên trao đổi vào tháng 3/2021 trong Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (START mới)”,  Bộ Ngoại giao Nga cho hay.

Tiêu điểm - Hé lộ số lượng vũ khí tấn công chiến lược trong “kho” của Nga-Mỹ

Moscow sở hữu 767 bệ phóng ICBM, SLBM và máy bay ném bom hạng nặng đã triển khai và không triển khai còn Washington sở hữu 800 chiếc trong số đó. Ảnh minh họa

Bộ Ngoại giao Nga cũng lưu ý rằng  800 bệ phóng ICBM, SLBM và máy bay ném bom hạng nặng đã triển khai và không triển khai mà Mỹ tuyên bố có không chỉ nhờ việc cắt giảm vũ khí thực sự của Mỹ mà còn xuất phát từ việc Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp ước 56 bệ phóng SLBM Trident II và 41 máy bay ném bom hạng nặng B-52N.

“Việc tái trang bị của Mỹ được thực hiện theo cách mà phía Nga không thể xác nhận rằng những vũ khí tấn công chiến lược này đã được coi là không phù hợp để sử dụng vũ khí hạt nhân, như quy định tại điểm 3 mục I của Chương I trong Nghị định thư III đối với Hiệp ước”, phía Nga cho biết.

Bộ Ngoại giao Nga cũng chỉ ra rằng Mỹ cũng đã đổi tên bốn bệ phóng silo thành loại “dùng để huấn luyện”, vốn không được Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) xét đến. Washington từ chối đưa chúng vào Hiệp ước với tư cách là bệ phóng ICBM không được triển khai.

“Như vậy, chỉ số cho phép theo điểm c, khoản 1, Điều II của Hiệp ước đã bị Mỹ nâng thêm 101 đơn vị”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết thêm.

New START được Nga và Mỹ ký hồi tháng 4/2010, giới hạn số lượng các đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai ở mức 1.550 đơn vị, tên lửa và máy bay ném bom được triển khai ở mức 700 đơn vị đối với mỗi nước. Hiệp ước này có hiệu lực từ ngày 5/2/2011 và hết hạn hôm 5/2/2021.

Hôm 29/1, Điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Putin đã ký luật cho phép gia hạn Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược START mới thêm 5 năm, tới ngày 5/2/2026.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp về việc gia hạn Hiệp ước New START tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở Washington, sau khi ông nhậm chức Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ ngày 20/1/2021.

Trước đó, Tổng thống Putin đã có cuộc điện đàm lần đầu với tân Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 22/1, trong đó hai nhà lãnh đạo đạt “nhất trí về nguyên tắc” nhằm gia hạn 5 năm đối với New START. 

Washington dưới thời Tổng thống Donald Trump tỏ ra không mặn mà với việc gia hạn Hiệp ước START mới vì cho rằng đây là một sự bất công. Phía Nga khi đó đã đề xuất gia hạn hiệp ước thêm 5 năm nhưng không nhận được phản hồi từ Mỹ. Đây cũng là thời gian tối đa được phép đề nghị theo quy định trong hiệp ước.

Việc Nga và Mỹ gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược thêm 5 năm được giới phân tích đánh giá là rất quan trọng để đảm bảo sự cân bằng chiến lược-quân sự giữa hai cường quốc và an ninh quốc tế nói chung.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.