Patriot là hệ thống tên lửa phòng không chủ lực của Mỹ.
"Quá trình đào tạo đã bắt đầu. Các binh sĩ đã đến Fort Sill và bắt đầu huấn luyện”, thư ký báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder trả lời họp báo ngày 17/1, nhắc đến Fort Sill - căn cứ quân sự Mỹ tại bang Oklahoma ở Bắc Mỹ. Khoảng thời gian huấn luyện được cho là vài tháng.
Patriot là mẫu tên lửa phòng không chủ lực của quân đội Mỹ và được một số nước thành viên sử dụng. Nhân sự kiện này, báo Nga RT đăng nhận định của tác giả Mikhail Khodaryonok - đại tá đã nghỉ hưu và là chuyên gia phòng không - về năng lực tên lửa Patriot trên chiến trường Ukraine.
Theo cựu đại tá Nga Khodaryonok, Patriot là hệ thống vũ khí đắt giá nhất mà Mỹ cam kết cung cấp cho Ukraine đến nay. Tổng trị giá của hệ thống lên tới hơn 1 tỷ USD, trong đó các đạn tên lửa có giá 690 triệu USD.
Patriot đã chứng minh năng lực thực chiến trong Chiến tranh Vùng vịnh năm 1991, Chiến tranh Iraq năm 2003 và đến nay đã trải qua nhiều lần nâng cấp. Phiên bản mới nhất là PAC-3.
Là một người am hiểu về các hệ thống phòng không, cựu đại tá Khodaryonok nói các hệ thống Patriot sẽ sẵn sàng chiến đấu ở Ukraine từ tháng 3, nếu quá trình huấn luyện diễn ra suôn sẻ.
Cựu đại tá Khodaryonok nói hệ thống phòng không PAC-3 hiện là tinh hoa của công nghệ quân sự Mỹ. Đối với Kiev, các hệ thống này là vô giá.
Mỹ đã cam kết cung cấp cho Ukraine 2 hệ thống Patriot.
Patriot cung cấp năng lực đánh chặn hiệu quả tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Đây là các loại vũ khí Nga thường sử dụng trong các cuộc tập kích tầm xa.
Do số lượng hạn chế, Ukraine nhiều khả năng sẽ chỉ triển khai các hệ thống này ở thủ đô Kiev, bảo vệ cơ quan đầu não và cơ sở năng lượng.
Theo cựu đại tá Khodaryonok, Patriot không phải là không có điểm yếu hay chưa từng thất bại khi đánh chặn mục tiêu. Vấn đề đầu tiên là đạn tên lửa cung cấp cho hệ thống Patriot.
Sau mỗi cuộc tập kích của Nga, quân đội Ukraine sẽ cần nạp đạn tên lửa bổ sung. Nếu Ukraine không nhận được đạn tên lửa kịp thời từ Mỹ, hai hệ thống Patriot sẽ đơn giản là "khoanh tay đứng nhìn".
Điểm yếu của hệ thống Patriot là radar AN/MPQ-53 đi kèm có năng lực xác định mục tiêu hạn chế, đặc biệt là mục tiêu bay ở tầm thấp.
Mỹ thường sử dụng kết hợp nhiều hệ thống radar, cũng như máy bay cảnh báo sớm E-3 Sentry để đảm bảo hệ thống Patriot có thể nhận diện và đánh chặn mục tiêu kịp thời. Nhưng không rõ Mỹ có đảm bảo năng lực xác định mục tiêu như vậy cho Ukraine hay không.
Theo cựu đại tá Nga, Ukraine cũng có thể tìm cách xoay xở và sử dụng các hệ thống radar khác để khắc phục.
Cựu đại tá Nga nói cơ hội để Moscow "bắt sống" các hệ thống Patriot là gần như bằng không, do đây không phải vũ khí triển khai ở tiền tuyến.
Do đó, lực lượng không quân vũ trụ Nga sẽ ưu tiên phá hủy các tổ hợp Patriot nếu có cơ hội. Xác định nơi quân đội Ukraine đặt tên lửa Patriot là không dễ dàng vì đây là hệ thống tương đối cơ động, chỉ cần 25 phút để chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Sau khi khai hỏa, các tên lửa Patriot sẽ lại di chuyển đến địa điểm khác để né tránh hỏa lực của Nga.
Các vũ khí mà Nga có thể sử dụng để loại bỏ hệ thống Patriot gồm tên lửa chống radar X-31P, tên lửa không đối đất dẫn đường X-29T hay các loại bom chuyên dụng như OFAB-250-270 và FAB-500. Bằng cách này hay cách khác, quân đội Nga cần tìm ra phương pháp hiệu quả giải quyết thách thức mới mà tên lửa Patriot tạo ra, cựu đại tá Mikhail Khodaryonok nói.
Đăng Nguyễn - RT