Nhiều năm nay, việc tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án bất động sản là hết sức căng thẳng. Ở đây, chúng tôi loại trừ những dự án có dấu hiệu hình sự, hay những dự án chủ đầu tư cố tình vi phạm.
Chúng tôi chỉ đề cập đến những dự án của chủ đầu tư đang thực hiện đúng với trách nhiệm của mình nhưng gặp những trở ngại khách quan. Điển hình là đại dịch Covid-19 đã, đang ảnh hưởng trực tiếp đến việc tăng trưởng, hồi phục kinh tế nói chung và ảnh hưởng đến việc vi phạm nghĩa vụ của chủ đầu tư nói riêng.
Có thể nhiều người cho rằng, lấy lý do dịch bệnh để kéo dài, trì hoãn việc thi công dự án là thoái thác nghĩa vụ. Nhưng đứng ở góc nhìn doanh nghiệp, khi xã hội bị phong toả, giãn cách thì việc đình trệ chuỗi cung ứng là không thể tránh khỏi. Hơn nữa, nhiều cán bộ, công nhân viên nhiễm Covid-19, khiến doanh nghiệp thiếu nhân lực trầm trọng.
Sau khi dịch bệnh ổn định, cuộc sống trở lại bình thường mới, sản xuất được khôi phục, bắt đầu xuất hiện nóng trở lại việc tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua nhà.
Nếu chủ đầu tư và người mua nhà cùng thiện chí thì sẽ cùng nhau tiếp tục thực hiện hợp đồng. Nhưng bên cạnh đó, không ít người lợi dụng mâu thuẫn này để kích động các cuộc tranh chấp.
Những tranh chấp này có lẽ sẽ không đẩy thành căng thẳng nếu không xuất hiện bên thứ ba "xui nguyên giục bị". Bên thứ ba này thường sẽ xúi giục, làm cho hai bên mâu thuẫn, xung đột với nhau, gây thiệt hại lẫn nhau, còn mình đứng giữa hưởng lợi.
Những người này tự cho rằng mình hiểu biết pháp luật, phải dẫn dắt người khác. Họ tìm mọi cách để lôi kéo, kích động cư dân. Điển hình nhất là thành lập các nhóm chát kín, nhóm công khai để thể hiện quan điểm, chia sẻ thông tin bất lợi, nói xấu, gây sức ép với doanh nghiệp. Nhưng đằng sau những việc đó là gì? Phải chăng là lợi ích nhóm? Lợi ích của cá nhân nào đó?
Lợi ích cá nhân mà chúng ta đề cập là gì? Có thể là tranh làm ban quản trị hay tạo sức ép với chủ đầu tư để đạt được sự thỏa thuận ngầm về lợi ích,…
Trong khi đó, trên thực tế nếu tuân thủ pháp luật, thì những tranh chấp, mâu thuẫn giữa khách hàng và chủ đầu tư khi không thể đạt được thỏa thuận, sẽ đưa ra nhờ pháp luật giải quyết. Phán quyết của tòa án mới là quyết định bảo vệ được lợi ích của hai bên, chứ không phải những hành vi vi phạm pháp luật hoặc căng băng rôn, biểu tình, gây sức ép.
Hành vi lập nhóm lôi kéo, kích động khách hàng, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, gây bất lợi cho chủ đầu tư, cho thấy việc thể hiện quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận trên mạng xã hội rất dễ bị biến tướng.
Hiện tại, các quy định pháp luật về việc xử lý vi phạm này được quy định tại các Điều 155, 156, 288, 331…. Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 hoặc chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự thì bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP và một số Nghị định khác.
Hy vọng trong thời gian sắp tới, các nhà làm luật sẽ đưa ra nội dung chi tiết hơn, quy định cụ thể cũng như chế tài xử lý những hành vi vi phạm nói trên.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Nguyễn An