Trên sàn chứng khoán, Mai Phương Thuý là cái tên được nhiều nhà đầu tư biết tới bởi khả năng "đánh đâu trúng đấy". Cô từng chia sẻ trên báo chí, không phải bây giờ những nhận định của cô về các mã cổ phiếu mới chuẩn mà ngay từ đầu đã thế, chỉ là mọi người không biết.
"5 năm trở lại đây Thuý đã rút lui khỏi showbiz, thay vào đó tham gia đầu tư. Suốt 5 năm, Thuý cũng có nhiều thành tích, nhưng hiện tại thì bản thân Thuý không chú trọng quá vào lợi nhuận nữa, mà muốn đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.
"Mình có khả năng chọn doanh nghiệp tốt như vậy, thì tại sao chỉ ở nhà đầu tư cho chính mình mà không đem khả năng này để chia sẻ với cộng đồng", Mai Phương Thuý từng chia sẻ khi tham gia làm chương trình thực tế
Người đẹp sinh năm 1988 nổi tiếng với vai trò "phím hàng", nổi bật là việc "tiên tri" cổ phiếu VCB của Vietcombank vào năm 2019.
Mai Phương Thuý mua VCB ở khoảng giá 40.000 đồng - 50.000 đồng và khi VCB leo lên đến vùng giá trên 70.000 đồng, Hoa hậu Việt Nam năm 2006 đã tuyên bố sẽ “ôm hàng” đến hơn 80.000 đồng.
Không rõ hiện tại Mai Phương Thuý đã chốt lãi hay chưa, song, những chia sẻ của cô về giá VCB đã phần nào cho thấy cô rất "mát tay" với đầu tư chứng khoán - lĩnh vực mà cô cho biết là "nghề chính" của mình thay vì làm giám khảo các cuộc thi hoa hậu hay các hoạt động trong ngành giải trí.
Ngoài VCB, người đẹp sinh năm 1988 cũng từng hé lộ danh mục đầu tư gồm có MWG của Thế Giới Di Động, VJC của VietJet Air, VCS của Vicostone, HPG của Hoà Phát, VPB của VPBank, VGI của Viettel Global... Đây đều là cổ phiếu của các doanh nghiệp “đình đám” trên thị trường. Bên cạnh đó, gần đây, Mai Phương Thuý cũng "đánh tiếng" về việc đầu tư vào cổ phiếu ngành cảng biển.
Liên quan đến cổ phiếu HPG, mới đây, trong bài viết được đăng tải ngày 18/5, Hoa hậu Việt Nam năm 2006 Mai Phương Thúy đã "phím hàng" đối với cổ phiếu này bằng một bài phân tích rất chi tiết. Trong đó, cô cho rằng "đội ngũ điều hành, chất lượng sản phẩm, và tình hình tài chính là những điểm nên nhìn để xem chất lượng của doanh nghiệp". Và ở thời điểm hiện tại, không doanh nghiệp nào đáp ứng tốt nhất các tiêu chí trên ngoài Hòa Phát Group.
"Một doanh nghiệp có quản trị tốt, có lợi thế cạnh tranh rất lớn, có giá thành quá thấp so với đối thủ, đang vào một chu kỳ mới về nhiều mặt, và có một câu chuyện hay ho để kể với một định giá hời", Mai Phương Thúy nói về Hòa Phát.
Không ai biết khoản đầu tư vào HPG đã đem lại cho Mai Phương Thúy bao nhiêu lợi nhuận, nhưng có một điều chắc chắn rằng tài sản của ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát – đã tăng thêm 16% trong tuần qua nhờ việc tăng giá của cổ phiếu.
Cụ thể, giá trị tài sản của ông Long tăng chóng mặt 2.625 tỷ đồng chỉ trong tuần vừa qua (18-22/5), bắt đầu từ thời điểm Mai Phương Thúy "phím hàng". Theo đó, tài sản của người giàu thứ ba trên sàn chứng khoán đã lên mức 19.075 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ đầu tháng 6/2019.
HPG đã có chuỗi 5 phiên tăng giá liên tiếp, trong đó có một phiên tăng kịch trần và đóng cửa tuần ở mức giá 27.250 đồng/cp.
Điều này cho thấy những nhận định của Hoa hậu Mai Phương Thúy về cổ phiếu nguyên vật liệu, cụ thể là HPG được công bố trong tuần qua là hoàn toàn chính xác, ít nhất cho tới thời điểm này.
Linh Nhi