Về vụ lò xo Việt Nam bị kiện bán phá giá tại Hoa Kỳ
Theo thông tin Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) thuộc Bộ Thương mại (DOS) Hoa Kỳ công bố ngày 3/9, cơ quan này cho biết đã tiến hành các cuộc xem xét theo Đạo luật Thuế quan năm 1930 nhằm xác định hủy bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm lò xo đệm không bọc (Uncovered Innerspring Units) từ Việt Nam, được dùng để sản xuất đệm (nệm).
Quyết định có chấm dứt chống bán phá giá hay không sẽ xảy ra nếu kết quả điều tra của ITC cho thấy hành động bán phá giá hoặc thiệt hại gây ra bởi việc bán phá giá không có khả năng tái diễn hoặc gây tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp thuộc ngành hàng sản xuất lò xo Hoa Kỳ. Ngoài Việt Nam, hai quốc gia khác cũng được đề cập đến trong thông báo trên là Nam Phi và Trung Quốc
Các bên quan tâm được DOS yêu cầu phản hồi thông báo này bằng cách gửi thông tin được chỉ định bên dưới cho ITC trong vòng 30 vòng (trước ngày 3/10). Trong khi đó, các ý kiến phản hồi đầy đủ có thể được nộp lên Ủy ban trước ngày 12/11/2024.
Vụ việc Hoa Kỳ tiến hành khởi xướng điều tra cũng như áp thuế chống phá giá đối với các sản phẩm lò xo không bọc Việt Nam diễn ra từ tháng 1/2008 và kết thúc vào tháng 11 cùng năm. Thời gian điều tra từ ngày 1/4 - 30/9/2007.
Hàng hóa bị điều tra là các sản phẩm lò xo không có lớp phủ, thích hợp để sử dụng làm thành phần lò xo túi trong sản xuất nệm lò xo, bao gồm nệm có lớp vỏ xốp bao quanh lò xo túi. Bao gồm một loạt các lò xo kim loại riêng lẻ được ghép lại với nhau theo kích thước tương ứng với kích thước của nệm dành cho người lớn và cấu trúc nhỏ hơn, phù hợp cho nệm cũi và nệm dành cho thanh thiếu niên.
Tất cả đơn vị lò xo nằm trong phạm vi này bất kể chiều rộng và chiều dài, từ những lò xo thường có chiều rộng từ 30,5 inch - 76 inch và chiều dài từ 68 inch - 84 inch, trong khi các lò xo nệm cũi thường có chiều rộng từ 25 inch - 27 inch và chiều dài từ 50 inch - 52 inch.
Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương Việt Nam), sản phẩm bị điều tra được phân loại theo tiểu mục 9404.29.9010; 9404.10.0000; 7326.20.00.70; 7320.20.5010 hoặc 7320.90.5010 theo Biểu thuế quan hài hòa của Hoa Kỳ (HTSUS). HTSUS là cơ sở chính để xác định phân loại thuế quan (thuế hải quan) đối với hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ.
Ban đầu, danh sách do phía nguyên đơn phía Hoa Kỳ nộp lên DOS đề cập đến 11 doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu ở khu vực phía Nam, với biên độ bán giá trên 134%. Sau quá trình điều tra, do không có doanh nghiệp nào của Việt Nam tham gia trả lời bản câu hỏi và ITC căn cứ vào thông tin bất lợi khi cho rằng Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, kết luận được Hoa Kỳ đưa ra là: Sản phẩm lò xo không bọc nhập khẩu từ Việt Nam đang có hoặc có khả năng được bán tại Hoa Kỳ với giá thấp hơn giá trị hợp lý (LTFV). DOS khi đó đã áp thuế chống bán phá giá 116,31% thực thể toàn Việt Nam.
Năm 2013, căn cứ vào quy định "rà soát hoàng hôn" đối với chống bán phá giá/chống trợ cấp, Hoa Kỳ đã khởi xướng xem xét việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm lò xo từ Việt Nam. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương Việt Nam), kết quả biểu quyết cuối cùng từ ITC Hoa Kỳ khẳng định, việc tiếp tục duy trì mức thuế 116,31% đối với thực thể toàn Việt Nam "là cần thiết".
Đến năm 2019, tiếp tục quy trình đánh giá 5 năm/lần của thủ tục rà soát hoàng hôn, ITC thông báo vẫn tiếp tục áp dụng lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với lò xo Việt Nam.
Thị trường lò xo xuất khẩu Mỹ còn tiềm năng?
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu gần 55,1 tỷ USD hàng hóa sang Hoa Kỳ, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, là mức tăng trưởng cao nhất (26%) so với cùng kỳ năm 2023 và vượt xa mức tăng xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khác như châu Âu, Đông Nam Á,...
Về những mặt hàng được Hoa Kỳ nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam ở nửa đầu năm 2024, ngoài hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, ghi nhận còn có máy tính, điện thoại, máy móc, thiết bị, phụ tùng.
Suốt những năm qua, kim ngạch xuất khẩu do Bộ Công Thương ghi nhận cũng cho thấy, danh sách các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường tiêu dùng ở Washington, D.C luôn có sự xuất hiện của nhóm sản phẩm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.
Ngay cả trong giai đoạn biến động của đại dịch toàn cầu, dữ liệu từ Tổng Cục Hải quan (Việt Nam) cũng cho thấy, phụ tùng sản xuất trong nước vẫn nằm trong top 10 nhóm các mặt hàng được Hoa Kỳ nhập khẩu từ Việt Nam, với trị giá xuất khẩu lần lượt là 2,82% (2019) và 2,69% (2020).
Đặc biệt, sau khi hai nước nâng tầm quan hệ ngoại giao lên mức Đối tác chiến lược toàn diện - mức cao nhất trong hệ thống thứ bậc ngoại giao của Việt Nam với các quốc gia khác trên thế giới, cơ hội tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại giữa với Washington, D.C cũng được nâng cao.
Tuy nhiên, đối với sản phẩm lò xo không bọc liên quan vụ kiện chống phá giá năm 2008, vốn thuộc mục 9404.29.9010, không được phân loại vào nhóm "phụ tùng" máy móc mà thuộc "phụ kiện" cấu thành nên vật liệu (trong trường hợp này là đệm) lại chưa có nhiều báo cáo cụ thể về năng lực xuất khẩu hiện nay sang Mỹ. Như vậy, thị trường này liệu có còn tiềm năng với các nhà sản xuất, xuất khẩu trong nước khi DOS gỡ bỏ áp thuế chống phá giá?
Theo đại diện Công Ty TNHH Lò Xo Thành Phát (TpHCM), hiện nay, đơn vị này đã ngừng sản xuất các loại lò xo đệm không bọc. Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH Lò Xo Việt Nam (Hà Nội) cho biết, thị trường chính của doanh nghiệp chủ yếu là châu Âu (EU) và chưa xuất khẩu sang Mỹ.
Đại diện Công Ty TNHH Newtech CNC Việt Nam (Hải Dương) tiết lộ, mặc dù đơn vị có nhận gia công các loại lò xo, bao gồm cả lò xo đệm không bọc để làm nệm và có xuất khẩu sang Hoa Kỳ, song mặt hàng chính của doanh nghiệp được tiêu thụ nhiều tại thị trường nền kinh tế số một thế giới chủ yếu là lò xo công nghiệp - loại được sử dụng phổ biến trong thiết bị, máy móc.
Cần biết rằng, bên cạnh sản phẩm lò xo không bọc được dùng để sản xuất đệm, nệm sản xuất từ Việt Nam cũng đang bị DOS Hoa Kỳ áp thuế chống phá giá lên đến 668,38% từ năm 2021.
Khuynh Hà