Hoãn phiên tòa xét xử vụ "huynh đệ tương tàn" vì vài mét đất

Hoãn phiên tòa xét xử vụ "huynh đệ tương tàn" vì vài mét đất

Lê Nhâm Thân

Lê Nhâm Thân

Thứ 4, 17/11/2021 19:16

Một phiên tòa mà từ bị cáo, bị hại cho đến tất cả những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đều là anh chị em, bà con ruột thịt.

Vụ án trải qua hơn 10 phiên sơ thẩm

Ngày 17/11, theo TAND huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, đơn vị vừa hoãn phiên tòa xét xử vụ án Cố ý gây thương tích xảy ra tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh.

Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa Châu Mạnh Cường cho hay, nguyên nhân phiên tòa tạm hoãn là do sự vắng mặt của người làm chứng và người có quyền nghĩa vụ liên quan. 

Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, đây là vụ án phức tạp, nhận được sự quan tâm của dư luận tỉnh Quảng Bình trong suốt 4 năm qua.

Từ năm 2018-2020, vụ án đã trải qua hơn 10 phiên xử cấp sơ thẩm. Cuối cùng, đến ngày 10/8/2020, TAND huyện Quảng Ninh tuyên bị cáo 2 năm tù giam.

Đến ngày 15/12/2020, cấp phúc thẩm TAND tỉnh Quảng Bình tuyên trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại làm rõ một số vấn đề còn thiếu sót liên quan đến công tác giám định tỉ lệ tổn thương của bị hại. Đến tháng 5/2021, VKSND huyện Quảng Ninh hoàn thành cáo trạng chuyển TAND huyện Quảng Ninh xét xử sơ thẩm trở lại.

Hồ sơ điều tra - Hoãn phiên tòa xét xử vụ 'huynh đệ tương tàn' vì vài mét đất

Kết luận điều tra, cáo trạng và bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Quảng Bình ngày 15/12/2020. Đây là kỳ án phức tạp kéo dài 4 năm qua.

Theo Cáo trạng số 16/CT-VKS-TA của VKSND huyện Quảng Ninh, bà Trương Thị Hòa, SN 1965, trú xã Hải Ninh bị truy tố ra trước tòa với tội danh Cố ý gây thương tích theo điểm đ, khoản 2, Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Cụ thể, ngày 19/6/2018, do mâu thuẫn từ việc tranh chấp đất đai, bà Trương Thị T., SN 1963, trú cùng địa phương cùng anh em ruột thịt trong nhà cầm theo xẻng, xà beng kéo sang đào phá con đường vào nhà bà Hòa. Tổng cộng nhóm này có khoảng 6 người.

Bấy giờ, con gái bà Hòa chạy ra ngăn cản, bị nhóm bà T. đánh. Chồng bà Hòa chạy ra can ngăn thì xảy ra ẩu đả mạnh hơn. Khi bà Hòa về nhà thấy cảnh trên cũng xông vào đánh trả. Trong quá trình xô xát, bà Hòa dùng xẻng đánh vào đầu bà T.. Hậu quả, bà T. bị thương tích 13%. 

Bi kịch từ một con đường

Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, câu chuyện xảy ra 4 năm trời chưa hồi kết này vẫn đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận địa phương. Điều người dân quan tâm nhất có lẽ là cái tình, cái lý trong vụ việc khi mà từ bị hại, bị cáo cho đến tất cả những người liên quan vốn là anh em, bà con ruột thịt với nhau. Là những người có quan hệ máu mủ tình thân họ dẫn nhau ra chốn công đường vì mâu thuẫn nhỏ. 

Xã Hải Ninh - nơi xảy ra vụ việc vốn là một xã biển thuộc diện còn khó khăn của địa phương. Tuy nhiên, vài ba năm trở lại đây khi hàng loạt dự án bất động sản, nghỉ dưỡng đổ bộ thì giá trị đất đai miền cát trắng gió Lào cũng theo đó mà tăng vun vút. Bộ mặt miền biển đổi thay nhưng kéo theo hệ lụy là tranh giành đất đai.

Hồ sơ điều tra - Hoãn phiên tòa xét xử vụ 'huynh đệ tương tàn' vì vài mét đất (Hình 2).

Chỉ vì mâu thuẫn đất đai, tranh chấp con đường đi lại mà anh em ruột thịt xô xát, ẩu đả. Ảnh chụp lại từ hồ sơ vụ án.

Vụ án trên là minh chứng cho những bi kịch đến từ đất đai, từ một con đường ngắn chỉ độ vài ba mét. Theo đó, vì chưa thống nhất việc phân chia đất, những người ruột thịt của bị cáo Hòa cầm cuốc xẻng kéo sang đào phá con đường bao năm vào nhà bị cáo. 

Bị cáo - người đàn bà chỉ mới học hết lớp 2, khi thấy họ hàng của mình kéo sang phá đường, đã chạy đi cầu cứu khắp nơi nhưng bất thành. Khi đạp xe về lại nhà, bị cáo nhìn thấy 2 con gái của mình đang bị những người bác, người cô ruột thịt xô xát. Bị cáo lao vào đánh trả rồi gây nên họa.

Bản án phúc thẩm số 140/2020/HS-PT trước đó của TAND tỉnh Quảng Bình cũng chỉ ra rằng con đường bị đào phá này là một trong những vấn đề mấu chốt của vụ án. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm cũng như trong cáo trạng và kết luận điều tra chưa làm rõ nên HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Quảng Bình đã tuyên trả hồ sơ, điều tra bổ sung.

Theo đó, TAND tỉnh Quảng Bình phân tích, đoạn đường bị đào phá nằm trên phần diện tích được Nhà nước cấp sổ đỏ cho gia đình bị hại - bà T.. Nếu trước đó, giữa gia đình bà T. và gia đình bà Hòa không có sự thỏa thuận cho phép bà Hòa được xây dựng con đường phục vụ đi lại thì việc đào phá con đường là không vi phạm.

Ngược lại, nếu gia đình bị cáo và bị hại có sự đồng tình, có thỏa thuận cho phép bà Hòa xây dựng con đường phục vụ đi lại thì việc đào phá là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chưa làm rõ vấn đề này dẫn đến việc kết tội bị cáo thiếu thuyết phục.

Hơn nữa, theo TAND tỉnh Quảng Bình, vấn đề xác định việc đào phá con đường có vi phạm pháp luật hay không là căn cứ để xem xét trách nhiệm đầy đủ của bị cáo Hòa.

Nếu việc đào phá con đường là sai, gây bức xúc, kích động mạnh cho bị cáo dẫn đến vi phạm pháp luật thì hành vi này được xác định xuất phát từ hành vi trái pháp luật trước đó của bị hại.

Từ đó bị cáo được xem xét giảm nhẹ hoặc miễn truy cứu hình sự. Nếu việc đào phá con đường là không sai thì việc hai bên ẩu đả có lỗi của cả hai bên. Ai không kiểm soát được hành vi của mình gây hậu quả thì phải chịu trách nhiệm.

Dự kiến phiên tòa sơ thẩm sẽ được mở lại vào tháng 12/2021. 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.