Sửa đổi, bổ sung tập trung vào các nhóm nội dung chính trong 7 chính sách
So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) giữ nguyên 13 điều khoản (các Điều 13, 17, 28, 34, 47, 66, 67, 68, 70, 72, 73, 79, 80 của Dự thảo), sửa đổi 38 điều khoản và bổ sung mới 29 điều khoản.
Các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào các nhóm nội dung chính trong 7 chính sách đã được thông qua theo Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/05/2021 của Chính phủ.
Thứ nhất, hoàn thiện các quy định về hàng hóa có khuyết tật và thu hồi hàng hóa có khuyết tật nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả thực thi các quy định có liên quan.
Thứ hai, hoàn thiện các quy định về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch có liên quan.
Thứ ba, hoàn thiện các quy định liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp; bổ sung quy định về vai trò hỗ trợ của cơ quan nhà nước, vai trò của tổ chức xã hội trong công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh phù hợp với thực tiễn.
Thứ tư, hoàn thiện các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch có yếu tố đặc thù, có tính mới trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế.
Thứ năm, xây dựng và hoàn thiện các quy định về các loại hình giao dịch, hoạt động, trách nhiệm của các chủ thể, cơ chế kiểm soát, khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể nhằm khuyến khích, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững.
Thứ sáu, hoàn thiện quy định về quản lý nhà nước nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Thứ bảy, hoàn thiện quy định về vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bổ sung thêm 1 Chương về “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh”.
Theo đó, các giao dịch đặc thù giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm: Giao dịch từ xa; Cung cấp dịch vụ liên tục; Bán hàng trực tiếp.
Cụ thể, giao dịch từ xa là giao dịch đối với sản phẩm, dịch vụ được thực hiện trên không gian mạng hoặc các phương tiện gián tiếp khác, giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó, người tiêu dùng không được kiểm tra, tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, dịch vụ trước khi tham gia giao dịch.
Cung cấp dịch vụ liên tục là hoạt động cung cấp dịch vụ có thời hạn từ 3 tháng trở lên hoặc dịch vụ không xác định thời hạn.
Bán hàng trực tiếp là hoạt động thực hiện việc bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ, trong đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh chủ động tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ để bán cho người tiêu dùng.
Bán hàng trực tiếp bao gồm các hình thức sau: Bán hàng tận cửa là trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện việc bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng; Bán hàng đa cấp là hoạt động bán hàng thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả bán hàng của mình và của những người khác trong mạng lưới; Bán hàng tại địa điểm không phải là địa điểm giao dịch thường xuyên là hình thức bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ, trong đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh giới thiệu, bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ tại các địa điểm không phải là địa điểm bán lẻ cố định.
Tuệ Minh