Hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc đã giảm xuống trong tháng 7, trong bối cảnh các đợt bùng phát Covid-19 ảnh hưởng đến khả năng phục hồi.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) mới đây đã báo cáo chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong tháng 7 đã giảm xuống còn ở mức 49, thấp hơn so với mức 50,2 trong tháng 6. Trước đó, cuộc khảo sát của Bloomberg thực hiện trên các nhà kinh tế đã kỳ vọng PMI đạt 50,3. Chỉ số trên ngưỡng 50 thể hiện sự tăng trưởng, trong khi ở mức thấp hơn 50 thể hiện sự suy giảm.
Chỉ số quản lý thu mua PMI lĩnh vực phi sản xuất, đo lường hoạt động lĩnh vực xây dựng và dịch vụ, đã giảm xuống 53,8 trong tháng 7, thấp hơn mức dự báo 53,9 và giảm từ mức 54,7 của tháng trước.
Công ty nghiên cứu kinh tế quốc tế Capital Economics nhận định việc áp đặt lệnh hạn chế, cùng với nguy cơ phong toả nhiều hơn và niềm tin của người tiêu dùng suy yếu có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc khó khăn để phục hồi.
Hãng tin Bloomberg đánh giá sự phục hồi của nền kinh tế của Trung Quốc hiện rất mong manh khi chính phủ đã nới lỏng các biện pháp hạn chế đại dịch nhưng sau đó lại siết chặt biện pháp hạn chế ở bất cứ khu vực nào mà vi-rút bùng phát trở lại.
Thành phố cảng Thiên Tân (Trung Quốc), nơi có các nhà máy liên kết với hãng sản xuất máy bay Boeing (BA.N) và công ty sản xuất ô tô Volkswagen, đã thắt chặt các biện pháp vào đầu tháng này để ứng phó với các đợt bùng phát mới.
Hôm 21/7, siêu đô thị công nghệ phía nam của Trung Quốc là Thâm Quyến cũng tuyên bố "huy động mọi nguồn lực" để kiềm chế sự bùng phát Covid-19 đang dần dần lan rộng. Giới chức thành phố Thâm Quyên ra lệnh siết chặt việc thực hiện các công tác xét nghiệm và đo thân nhiệt, đồng thời phong tỏa những tòa nhà ghi nhận trường hợp mắc Covid-19.
Nền kinh tế của Trung Quốc trong quý II vừa qua chỉ tăng trưởng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần đầu ở thành phố Vũ Hán. Theo Bloomberg, các nhà kinh tế hiện kỳ vọng tăng trưởng của Trung Quốc cả năm 2022 có thể chỉ đạt 4% hoặc thấp hơn, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch, việc áp đặt các biện pháp hạn chế và thị trường bất động sản suy yếu tiếp tục đè năng lên nền kinh tế.
Phạm Hà Thanh (theo Bloomberg, Reuters)