Sau 5 năm áp dụng sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018, bước đầu đã ghi nhận những tín hiệu tích cực từ đội ngũ giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Điểm nổi bật nhất của bộ sách mới là sự chuyển đổi mạnh mẽ từ cách dạy truyền thống đó là tập trung truyền thụ kiến thức, sang phương pháp phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học. Nhờ đó, học sinh trở thành trung tâm của quá trình giáo dục, được khuyến khích phát huy khả năng tư duy độc lập, sáng tạo và chủ động tiếp nhận kiến thức.
Hiện, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) có 2 trong số 3 bộ sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình GDPT 2018, là bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo, gồm đầy đủ sách của các môn học, hoạt động giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12. Các bộ sách giáo khoa của NXBGDVN được đa số các cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn quốc sử dụng và đánh giá cao.

Nhiều nội dung sách giáo khoa được thay đổi để đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018.
Trao đổi với Người Đưa Tin, cô giáo Hà Thị Oanh – Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Thổ Châu, An Giang đánh giá mặc dù trong chương trình mới sách giáo khoa đóng vai trò là học liệu, nhưng đây vẫn là công cụ hữu hiệu hỗ trợ giáo viên xây dựng giáo án, và đưa ra những nội dung cốt lõi của bài học. Từ đó, thầy cô sẽ có thêm thời gian tập trung thiết kế hoạt động học tập hấp dẫn, hiệu quả và phong phú.
"Về cấu trúc và nội dung, bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống thiết kế các nội dung kiến thức theo chủ đề, dưới mỗi chủ đề là từng bài thay vì tiết học như trước kia. Việc điều chỉnh như vậy, sẽ giúp người dạy chủ động, linh hoạt hơn trong việc giảng dạy tùy theo tình hình thực tế của lớp học", cô Hà Thị Oanh chia sẻ.
Vị giáo viên cũng nhận thấy sách giáo khoa cũng là nguồn kiến thức chính thống, cung cấp nội dung nền tảng được tổ chức hợp lý, đây là cơ sở để các em tự học, ôn tập và luyện tập hiệu quả.

Thầy giáo Hồ Như Hiển – Giáo viên Lịch sử Trường THPT Đông Bắc Ga, Thanh Hóa.
Sau quá trình nghiên cứu giảng dạy bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, thầy giáo Hồ Như Hiển – Giáo viên Lịch sử Trường THPT Đông Bắc Ga, Thanh Hóa nhận thấy điểm nổi bật nhất của bộ sách này là không chỉ đã đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, mà hơn hết là xây dựng cách tiếp cận mới lạ, hấp dẫn đối với môn Lịch sử nói riêng và các môn học khác nói chung.
Nhằm giải quyết những lo lắng của học sinh khi học Lịch sử thường khó ghi nhớ các sự kiện, mốc thời gian. Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống thiết kế làm nổi bật các yêu cầu cần đạt thông qua từng bài học, truyền tải kiến thức ngắn gọn rõ ràng, nhưng không làm mất đi những giá trị nội dung cốt lõi. Điều này hỗ trợ không nhỏ trong việc học tập, tiếp thu của học sinh.
Sách giáo khoa cũng hỗ trợ rất nhiều cho người dạy khi mở ra nhiều hướng tiếp cận giảng dạy mới.

Nhiều phản hồi tích cực, đánh giá cao chất lượng của sách giáo khoa mới.
"Thay vì truyền thụ kiến thức một chiều, sách giáo khoa khuyến khích giáo viên tổ chức các hoạt động nhóm, thảo luận, phản biện và trải nghiệm thực tế cho học sinh tham gia.
Như vậy, không chỉ giúp các em không chỉ ghi nhớ nhanh hơn mà còn khơi dậy tư duy logic, khả năng liên hệ và cảm thụ sâu sắc hơn về những bài học lịch sử. Đó cũng chính là giá trị ý nghĩa cốt lõi mà mục tiêu môn học hướng đến", thầy Hồ Như Hiển đánh giá.
Đặc biệt, bộ sách đảm bảo đúng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 đối với môn Lịch sử, đó là từ sự hiểu biết, khơi gợi niềm tự hào về truyền thống dân tộc, lòng yêu nước, trân trọng và gìn giữ giá trị lịch sử của quê hương. Đây cũng là nền tảng quan trọng để xây dựng bản lĩnh công dân trong thời đại mới.
Cô giáo Lý Thị Mộng Huyền – Trường Tiểu học Dương Đông 4, An Giang cho hay sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống thiết kế theo hướng mở, giúp trao quyền chủ động cho giáo viên trong quá trình tổ chức, hướng dẫn học sinh học tập.
"Thay vì giảng dạy theo lối mòn, sách giáo khoa mới tạo điều kiện để các trường, tổ chuyên môn, bổ sung những nội dung và hoạt động đặc thù thích hợp, sát với thực tế địa phương và trình độ người học. Từ đó, tăng thêm hiệu quả, chất lượng giảng dạy", cô Huyền bày tỏ.