Nhà trường cần giám sát học sinh
Báo Việt Nam Net đưa tin, TS.BS Vũ Tùng Sơn, Phó chủ nhiệm Khoa Dịch tễ, Học viện Quân y, cho rằng, cả nước đã bước vào giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Vì vậy việc để học sinh các cấp (mầm non, tiểu học, THPT) đến trường là việc cần thiết cho sự phát triển về trí tuệ, thể chất và tinh thần của các em.
Khi học sinh trở lại trường, việc phát hiện F0 là điều khó tránh khỏi, theo TS.BS Vũ Tùng Sơn công tác phòng chống dịch Covid-19 với nhà trường vẫn là giám sát học sinh.
Cụ thể, nhà trường chủ động phát hiện các ca có triệu chứng (ho, sốt, khó thở…) và tiến hành test nhanh. Nếu một lớp xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2, chỉ yêu cầu lớp đó nghỉ học thay vì để tất cả các lớp nghỉ. Các lớp khác vẫn tiến hành hoạt động dạy và học bình thường.
Phía cô giáo chủ nhiệm cũng cần lập nhóm chát riêng để theo dõi tình hình sức khỏe học sinh. Nhà trường phải bố trí phòng thông thoáng, mở cửa sổ, phòng có quạt... Nên phân loại rác, để thùng rác bỏ khẩu trang ra riêng nhằm tránh lây nhiễm cho học sinh, giáo viên và người làm công tác vệ sinh.
Đặc biệt, học sinh, giáo viên phải tuân thủ các biện pháp 5K. Học sinh khi trở lại trường học phải mang khẩu trang, mỗi em nên có thêm khẩu trang y tế để dự phòng. Học sinh cũng nên chuẩn bị sẵn bình nước uống riêng, không sử dụng chung để hạn chế lây nhiễm.
Ngoài ra, giáo viên cũng nên hướng dẫn các em tránh tụ tập, giữ khoảng cách với các bạn, tại mỗi lớp nên bố trí bình sát khuẩn. Học sinh cần được hướng dẫn, nhắc nhở rửa tay, sát khuẩn tay trước khi đến trường, khi về nhà và khi cần thiết.
Về việc đo nhiệt độ cho học sinh, theo TS.BS Tùng Sơn, trước khi trẻ đi học, phụ huynh dùng nhiệt kế đo thân nhiệt cho các em, nếu thấy sốt nên cho con ở nhà để theo dõi, xử lý. “Trong quá trình học, học sinh nào có các triệu chứng mệt mỏi, ho sốt... cần báo ngay cho giáo viên, người quản lý để được xử lý, theo dõi”, TS.BS Sơn nhấn mạnh.
Về chế độ dinh dưỡng, học sinh nên theo chế độ dinh dưỡng đã được các trường thiết kế theo hoạt động hàng ngày. “Chế độ đó đã đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Điều quan trọng nhất vẫn là thực hiện 5K”, TS.BS Tùng Sơn chia sẻ.
Cha mẹ học sinh
Về phía cha mẹ học sinh, thông tin trên báo GD& TĐ, các bậc cha mẹ cần hỗ trợ con chuẩn bị tốt về thể lực và tâm lý để sẵn sàng nhập cuộc. Cụ thể:
Chuẩn bị tâm lý vững vàng cho con: Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bình, Trung tâm giáo dục trẻ Hà Đông, Hà Nội: Nhìn chung, trẻ tỏ ra hứng thú khi được đến trường học tập vui chơi giao lưu cùng thầy cô, bạn bè. Tuy nhiên, không ít em tỏ ra hụt hẫng sau thời gian quá dài học trực tuyến và nghỉ Tết.
Vì vậy, cha mẹ cần chia sẻ và trò chuyện với con về thông tin quay trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết và việc đi học trở lại trong bối cảnh dịch bệnh. Trò chuyện với trẻ về việc tổ chức lại thời gian biểu sinh hoạt, sắp xếp sách vở, góc học tập, những kế hoạch học tập sẽ diễn ra như thế nào.
Hãy cung cấp cho con thông tin đầy đủ, chính xác và dễ hiểu nhất về dịch bệnh, tránh cho con tâm lý hoang mang, lo lắng khi đến trường học trực tiếp.
Nhắc con những điều cần làm ở trường: Sau thời gian dài học trực tuyến để phòng dịch, khi đi học lại, trẻ sẽ tiếp xúc nhiều với những khu vực đông người cũng như các vật dụng công cộng. Do đó, cha mẹ cần tăng cường nhắc nhở con biện pháp tự bảo vệ, duy trì các thói quen phòng dịch mọi lúc mọi nơi.
PGS.TS. Bác sĩ Tôn Nữ Vân Anh (Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế) đưa ra lời khuyên: Cha mẹ cần tập cho trẻ ý thức vệ sinh, sát khuẩn tay thường xuyên vì trẻ thường có thói quen cầm nắm đồ vật, đưa tay lên mắt, mũi, miệng, là con đường xâm nhập của virus vào cơ thể.
Cần nhắc nhở trẻ rửa tay khi đến lớp, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, chạm vào các vật dụng công cộng, lúc về nhà, sau khi chơi đồ chơi và đeo khẩu trang.
Việc thường xuyên đeo khẩu trang trên đường đi học, trong lớp, vào giờ ra chơi... cần được cha mẹ cần khích lệ, động viên và hướng dẫn trẻ sử dụng khẩu trang đúng cách.
Áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý: Một trong những biện pháp phòng dịch được các chuyên gia y tế đặc biệt chú trọng, đó là tăng cường thể lực để đẩy lùi nguy cơ nhiễm bệnh.
Theo đó, để tăng sức đề kháng, giúp trẻ khỏe mạnh hơn, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ về chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý và lối sống lành mạnh như uống đủ nước, bổ sung các thực phẩm giàu protein.
Tăng cường thực phẩm giàu kẽm như tôm, cua, gan động vật, thịt bò, các loại ngũ cốc trong bữa ăn hàng ngày không chỉ cung cấp đầy đủ chất kẽm cho cơ thể mà còn tăng sức đề kháng, giúp trẻ chống lại những virus gây bệnh.
Bổ sung các loại rau củ, hoa quả chứa nhiều vitamin C, E giúp tăng cường hệ miễn dịch, nhuận tràng, tránh táo bón ở trẻ.
Lam Anh (Tổng Hợp)