Thực hiện đề án Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 – 2021 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ, hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn công tác phòng, chống tham nhũng cho hội luật gia các tỉnh, thành phố năm 2020.
PGS.TS Chu Hồng Thanh, khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội là báo cáo viên trình bày chuyên đề phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng và đạo đức liêm chính cho cán bộ, hội viên hội Luật gia Việt Nam.
Theo PGS.TS Chu Hồng Thanh, hiện nay chưa có một định nghĩa chung về tham nhũng được thừa nhận và áp dụng một cách chính thức và rộng rãi trên phạm vi toàn cầu.
Tại Việt Nam, luật Phòng, chống tham nhũng ban hành năm 2005 được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2007, 2012, 2018 định nghĩa: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn đó vì vụ lợi”.
Người có chức vụ, quyền hạn được hiểu là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Tham nhũng gắn liền với Nhà nước, có Nhà nước thì sẽ có tham nhũng, nó chỉ bị triệt tiêu khi không còn Nhà nước và bất kỳ quốc gia nào cũng có tham nhũng.
Nguyên nhân tham nhũng xuất hiện, gia tăng là do: Quản lý Nhà nước yếu kém, khung pháp luật về phòng, chống tham nhũng thiếu đầy đủ hoặc không được thi hành hiệu quả, cơ chế và hệ thống cơ quan phòng, chống tham nhũng quốc gia chưa được xây dựng hoặc hoạt động hình thức, lương đội ngũ công chức quá thấp, không đủ nuôi sống bản thân họ và gia đình...
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của nước ta đạt được một số kết quả nhất định. Nhiều vụ tham nhũng lớn, phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng bị phát hiện, xử lý kiên quyết.
Những cán bộ sai phạm, trong đó có cán bộ cấp cao tham nhũng đã bị xử lý nghiêm minh theo kỷ luật của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, bước đầu tạo được niềm tin trong nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo cơ sở tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Luật gia là những người được trân trọng ngày càng cao hơn trong xã hội văn minh. Ngoài những yêu cầu về kiến thức và trình độ chuyên môn thì luật gia phải tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, trong đó yêu cầu liêm chính trong suốt quá trình hành nghề.
Phát biểu kết thúc hội nghị tập huấn, ông Trần Công Phàn - Phó Chủ tịch chuyên trách hội Luật gia Việt Nam đánh giá cao việc các diễn giả đã có sự chuẩn bị chu đáo nội dung chuyên đề của mình phụ trách, sự tham gia đầy đủ của các đại biểu,góp phần vào sự thành công của Hội nghị.