Phát huy vai trò của Hội
Đến dự, có TS. Trần Công Phàn, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam; ông Nguyễn Văn Huệ, Ủy viên Ban thường Trung ương Hội, Trưởng ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam; TS. Trần Lệ Thu, Chủ nhiệm Khoa Luật Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường; TS. Hoàng Quốc Lâm, Chuyên viên cao cấp Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Ông Lê Văn Hợp, Phó Trưởng ban Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ông Hoàng Văn My, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc, Bộ Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp cùng 17 Hội Luật gia các tỉnh, thành phố phía Nam và một số tỉnh, thành Hội phía Bắc…
Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Trần Công Phàn cho biết, nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong giai đoạn hiện nay đã và đang được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Một trong những quan điểm cơ bản của Đảng đã khẳng định rõ: “Bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”;
“Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta”;
Đây là một nhiệm vụ “vừa phức tạp, vừa cấp bách, có tính đa ngành và liên vùng rất cao, vì vậy cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân”.
Đặc biệt, ngày 1/7/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới.
Đây là văn bản quan trọng, là kim chỉ nam trong hoạt động của Hội. Chỉ thị 14 tiếp tục khẳng định tính chất của Hội là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp.
Với vai trò đó cùng hệ thống tổ chức Hội ở 63 tỉnh, thành phố từ Trung ương đến cấp cơ sở, Hội Luật gia Việt Nam mong muốn đóng góp một phần công sức của mình nhằm đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường vào cuộc sống.
Ngày 5/10/2018, Hội Luật gia Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký kết Chương trình phối hợp số 03/CTPH-BTNMT-HLG về phối hợp công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2018-2023.
Trên cơ sở đề xuất của Hội Luật gia Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao cho Hội Luật gia Việt Nam nhiệm vụ “Tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ, hội viên của Hội Luật gia các cấp”.
Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững
Theo TS. Trần Lệ Thu, Chủ nhiệm Khoa Luật Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo báo cáo đánh giá các rủi ro toàn cầu 2019 vấn đề liên quan đến các thảm họa thiên nhiên và sự khắc nghiệt của thời tiết hiện đang nằm trong tốp 5 những vấn đề rủi ro nhất trên toàn cầu.
Báo cáo nêu rõ trong số những thách thức lớn từ môi trường đáng quan ngại. Nhất là việc nhân loại đang phải đang đối mặt với điều kiện thời tiết cực đoan; ô nhiễm không khí, đất và nước…
Thực trạng ô nhiễm đất cũng rất đáng lo ngại. Việc sử dụng các loại hóa chất trong trồng trọt mang lại lợi ích trước mắt nhưng rất hại cho môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn thực phẩm.
Theo dự báo của các cơ quan nghiên cứu thì mức độ ô nhiễm môi trường đất sẽ tăng lên từ 2-3 lần so với hiện tại. Các chỉ số ô nhiễm sẽ tịnh tiến cùng tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị hoá.
Nếu không có những giải pháp chính sách và quản lý, chất lượng môi trường đất của Việt Nam sẽ bị suy giảm ở mức báo động cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của cộng đồng.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam cũng đang ở trong tình trạng báo động đỏ ở các thành phố lớn, nhất là Tp.Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh.
2 thành phố này ít có được những ngày trong năm có không khí trong lành. Ở các địa phương, tại các vùng nông thôn, tình trạng ô nhiễm không khí chưa nghiêm trọng trừ những địa phương có nhiều làng nghề đang hoạt động.
Cùng với quá trình phát triển của kinh tế xã hội, mức độ ô nhiễm đất, không khí, nguồn nước cũng ngày càng gia tăng, môi trường sống của con người càng bị đe dọa nghiêm trọng.
Con người vừa là nạn nhân nhưng cũng chính là nguyên nhân gây ra những thảm họa môi trường. Tăng trưởng kinh tế giúp cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, nếu không tuân thủ các nguyên tắc phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế đơn thuần sẽ tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng. Những hệ lụy đó là xảy ra do chính hoạt động của doanh nghiệp, thói quen của người tiêu dùng.
Do vậy, bảo vệ môi trường cần được ưu tiên hàng đầu. Phát triển bền vững phải trở thành một chiến lược đồng thời là mục tiêu phát triển của các quốc gia, trong đó có Việt Nam...
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp. Trong số đó, chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trong đó có nhiều loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường do công nghệ sản xuất lạc hậu. Trên 5.000 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; hơn 4.500 làng nghề gây ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000m3 nước thải y tế.
Cả nước hiện có 787 đô thị với 3.000.000m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý. Gần 43 triệu mô tô, trên 2 triệu ô tô đang chạy và xả khí thải độc hại khắp mọi đường phố trong cả nước. Hàng năm, cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật…
Pháp luật về bảo vệ môi trường
Về những nội dung cơ bản của pháp luật bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, TS. Hoàng Quốc Lâm, Chuyên gia cao cấp, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, hoạt động sản xuất nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế trọng điểm ở nước ta.
Theo đó, sản xuất nông nghiệp gồm các hoạt động cụ thể như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản gắn liền trực tiếp với môi trường tự nhiên như đất đai, khí hậu, thời tiết,…
Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, người dân sử dụng nhiều hóa chất, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y,… gây ra những tác động nặng nề, làm ô nhiễm đất và nguồn nước.
Ngoài ra, trong quá trình canh tác, chế biến các sản phẩm nông nghiệp làm phát sinh nhiều chất thải (bao gói thuốc bảo vệ thực vật) sau sử dụng, chất thải chăn nuôi, chất thải chế biến,…) gây sức ép lên môi trường sống.
Sản xuất gắn với bảo vệ môi trường là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển nông nghiệp bền vững, chính vì thế mà có thể nói, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp đóng vai trò to lớn và là cơ sở của sự phát triển bền vững của môi trường.
Do vậy, bảo vệ môi trường là hoạt động cần thiết và bắt buộc trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Muốn bảo vệ môi trường thì cần phải tuân theo các quy định chặt chẽ của pháp luật, thực hiện các giải pháp thực tiễn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế tối đa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Thủy sản 2017, Luật Lâm nghiệp 2017, Luật chăn nuôi 2018, Luật trồng trọt 2018 và các văn bản hướng dẫn thực hiện luật về bảo vệ môi trường ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn…
“Vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ, cụ thể: (1) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến người xung quanh;
(2) Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này (Điều 31 NĐ 14/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt với hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi)”, TS. Hoàng Quốc Lâm lưu ý.
Xác định vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường
Ông Lê Văn Hợp, Phó Trưởng ban Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày những quy định pháp luật về đánh giá tác động môi trường và thực tiễn thi hành ở Việt Nam hiện nay.
Theo đó, hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh dù ở lĩnh vực nào, quy mô nào cũng đều có những tác động tích cực và tiêu cực lên môi trường khu vực.
Thực tế cho thấy, những tác động tiêu cực nhiều khi có ảnh hưởng rất lớn và tác hại đến điều kiện tự nhiên, xã hội và môi trường, làm cho tài nguyên bị cạn kiệt, mất cân bằng sinh thái, chất lượng môi trường sống bị suy thoái, ảnh hưởng sức khoẻ, tính mạng của người dân.
Vấn đề đặt ra là làm sao có được một công cụ kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh để đảm bảo sự hài hoà lâu dài, bền vững giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ thiên nhiên và môi trường.
Để thực hiện được mục tiêu kép này, một bộ môn khoa học và cũng là một công cụ quản lý môi trường khá hiệu quả hình thành từ những năm 70 của thế kỷ XX được gọi là “đánh giá tác động môi trường”…
Tại Hội nghị, ông Hoàng Văn My, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc xác định vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường cần xác định việc khắc phục hậu quả.
Cụ thể, có đủ căn cứ chứng minh hậu quả hoặc có khả năng thực tế gây ra hậu quả; Phải là biện pháp được quy định tại K3 Điều 4 của NĐ 45/2022/NĐ-CP.
Đồng thời, nộp lại số lợi bất hợp pháp có được khi: Chứng minh số lợi bất hợp pháp thu được hoặc số phí bảo vệ môi trường nộp thiếu, trốn nộp; Trừ trường hợp buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu.
Theo ông My, việc áp dụng xử phạt về vi phạm về xả thải vượt QCVN, cần xác định: Khi xả khí thải hoặc nước thải vượt QCVN về CT; Giá trị vượt QCVN bằng giá trị đo/ngưỡng cho phép; Một cơ sở có nhiều điểm xả thải thì mỗi điểm xả thải vượt được xác định là 1 hành vi vi phạm về xả thải; Lưu lượng xả được tính trong một ngày (24 giờ) - Đo thực tế X số giờ xả thải - Theo định mức sản xuất - Đồng hồ đo Q - 80% Q sử dụng - Lưu lượng thấp nhất tại từng cửa xả thải vượt.
Xác định mức phạt vi phạm về xả thải: Chọn 1 thông số có mức tiền phạt cao nhất; Các thông số vượt QCVN còn lại được phạt tăng thêm cho từng thông số vượt còn lại; Mức phạt tiền của mẫu thải bằng số tiền của thông số vượt cao nhất + Tổng phần trăm tiền phạt tăng thêm so với thông số có mức tiền phạt cao nhất đã chọn; Việc áp dụng tăng nặng, giảm nhẹ hay Trung bình của mẫu thải dựa trên mức tăng nặng, giảm nhẹ hay Trung bình của thông số vượt cao nhất.
Đối với nguyên tắc áp dụng xử phạt vi phạm về xả thải, cần xác định: Xác định địa điểm lấy mẫu, vị trí xả NT vượt QC; Khi áp dụng hình thức phạt tiền đối với các hành vi xả thải, nếu trong mẫu thải có cả các thông số môi trường nguy hại và các thông số môi trường thông thường vượt QCVN hoặc giá trị pH nằm ngoài ngưỡng thì chọn thông số có mức phạt tiền cao nhất; Trường hợp mức phạt bằng nhau thì thông số nguy hại là thông số ưu tiên để xác định vi phạm…
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Huệ, Ủy viên Ban thường Trung ương Hội, Trưởng ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam đã nêu những nội dung trọng tâm về Chính sách, pháp luật về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; Vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường.
Chiều cùng ngày, đoàn công tác Hội Luật gia Việt Nam cùng lãnh đạo Tỉnh ủy Đồng Tháp đến viếng Khu di tích Lăng Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phường 4, Tp.Cao Lãnh.
Không ngừng phát huy vai trò
Phát biểu chỉ đạo bế mạc hội nghị, TS. Trần Công Phàn, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam đề nghị toàn Hội các cấp không ngừng phát huy vai trò, không chỉ nâng cao kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường mà còn nhiều lĩnh vực khác.
Sau hội nghị, TS. Trần Công Phàn mong muốn đại diện Hội Luật gia các tỉnh, thành lĩnh hội những kiến thức cơ bản của Hội nghị để tham mưu UBND tỉnh, thành nhằm phổ biến kiến thức tại địa phương.
Thanh Lâm