Sáng 15/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Qua thảo luận, hội nghị đã thống nhất rút ra 5 bài học kinh nghiệm từ cuộc bầu cử.
Sức mạnh tổng hợp
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tóm tắt của Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Trong đó nêu rõ: Thành công của cuộc bầu cử cho thấy sức mạnh tổng hợp của nhân dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, thể hiện sinh động tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin vững chắc của nhân dân đối với chế độ xã hội chủ nghĩa, với Đảng và Nhà nước, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, được dư luận trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài và truyền thông quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Cuộc bầu cử là minh chứng cho thấy càng trong khó khăn, thử thách, lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường vượt qua khó khăn và khát vọng vươn lên, vốn là những giá trị cơ bản làm nên sức mạnh Việt Nam, càng được trỗi dậy, phát huy và lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Báo cáo của Chính phủ đánh giá, cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức hữu quan; sự tích cực, nghiêm túc, trách nhiệm, quyết liệt, sáng tạo của các tổ chức phụ trách bầu cử; với tinh thần làm chủ và sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân; cùng với việc thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong từng bước tiến hành theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử.
Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng thành công của cuộc bầu cử và các sự kiện chính trị trọng đại cũng như công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19 một lần nữa càng làm thấm nhuần sâu sắc thêm lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong."
Đợt bầu cử vào tháng Năm vừa qua trùng với đợt bùng phát dịch rất mạnh ở một số địa phương, trong đó có Bắc Giang. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, Bắc Giang có hơn 5.600 người mắc COVID-19, hơn 19.800 F1, 95.670 F2, 28.318 người cách ly tập trung, 70.534 người cách ly tại nhà. Ủy ban Bầu cử tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp. Các điểm bầu cử được chuẩn bị triển khai tốt các điều kiện bảo đảm biện pháp phòng, chống dịch. Tỉnh tập huấn kỹ lưỡng công tác bầu cử tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung, khu dân cư bị phong tỏa, tổ chức bầu cử theo khung thời gian đối với từng tổ liên gia, hộ gia đình, thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho các thành viên Tổ bầu cử và cử tri đi bầu cử.
Đặc biệt, Bắc Giang đã sử dụng 4.281 hòm phiếu lưu động bằng các phương tiện xe ô tô, xe tự chế, xe máy, xe đạp… để tất cả cử tri đang điều trị bệnh, đang cách ly, phong tỏa do dịch bệnh, người tuổi cao, sức yếu đều được thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử của mình một cách thuận lợi an toàn. Những công việc đó là chưa từng có tiền lệ, thể hiện sự sáng tạo của Bắc Giang trong thực hiện nhiệm vụ bầu cử trước đợt bùng phát của dịch COVID-19. Nhờ vậy, cuộc bầu cử diễn ra an toàn, với 99% cử tri tham gia bầu cử.
Tại hội nghị trực tuyến, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trình bày, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, bản lĩnh, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt, sâu sát, hiệu quả, Hà Nội đã tập trung cao độ, vượt qua khó khăn, thách thức, tổ chức thành công rất tốt đẹp về mọi mặt cuộc bầu cử.
Hà Nội xác định tầm quan trọng nên dành sự quan tâm lớn cho công tác hiệp thương với quy trình 5 bước, 3 hội nghị hiệp thương bảo đảm khách quan, đúng luật, công khai, dân chủ và đúng tiến độ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, thành phố xác định là phải làm tốt công tác dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử và giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.
Với 99,86% cử tri đi bầu cử, thuộc nhóm cao nhất cả nước, đại diện Ủy ban Bầu cử tỉnh Gia Lai đánh giá, công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử có đóng góp quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử tại tỉnh này.
Tỉnh đã tập trung tuyên truyền đầy đủ nội dung thông tin với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan hữu quan, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của các loại hình tuyên truyền…
Năm bài học kinh nghiệm
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia nêu rõ từ những thành công to lớn và một số hạn chế của cuộc bầu cử, hội nghị đã thống nhất rút ra 5 bài học kinh nghiệm.
Cuộc bầu cử đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân, sức mạnh đoàn kết của các dân tộc và các tôn giáo; sự tin tưởng của nhân dân, ý thức trách nhiệm của công dân, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị vào công tác bầu cử là yếu tố then chốt và quyết định, bảo đảm cho thành công của cuộc bầu cử.
Với quyết tâm chính trị cao cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng đối với công tác chuẩn bị bầu cử là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cuộc bầu cử. Song song với đó là sự quyết liệt, sâu sát, chủ động, sáng tạo và linh hoạt trên cơ sở kế thừa bài học kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước đây và sát thực với tình hình thực tiễn, đặc thù trong phòng, chống dịch, điều kiện địa lý của từng địa phương; sự phân công, hợp tác tích cực, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác bầu cử tạo sự thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở.
Công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện sâu, rộng với nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, nội dung phong phú, kết hợp các phương tiện truyền thống với ứng dụng tối đa công nghệ thông tin hiện đại. Bảo đảm sự công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, bình đẳng trong từng công việc chuẩn bị bầu cử; phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên.
Quy trình công tác nhân sự được bảo đảm thực hiện tốt; từ việc hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, lấy ý kiến cử tri về người ứng cử, vận động bầu cử để lựa chọn được những ứng cử viên xứng đáng, đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn quy định. Lựa chọn thành viên tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương có năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết, trách nhiệm, nắm vững luật pháp về bầu cử, thành thạo công việc, giữ vững nguyên tắc trong việc bỏ phiếu, việc kiểm phiếu; làm tốt công tác tập huấn nghiệp vụ bầu cử cho các tổ chức phụ trách bầu cử, nhất là các tổ bầu cử.
Cùng với đó là việc chủ động nắm chắc tình hình, bám sát địa bàn cơ sở; chuẩn bị đầy đủ phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và y tế; phối hợp chặt chẽ các lực lượng quốc phòng, an ninh, dân phòng và sự ủng hộ của nhân dân để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử; giải quyết tốt các đơn, thư khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử và nhân sự ứng cử viên; thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời chỉ đạo, giải quyết những vướng mắc, khó khăn ở địa phương, cơ sở; đảm bảo tốt cơ sở vật chất, kỹ thuật.
Làm tốt vai trò trung tâm trong hoạt động của cơ quan dân cử
Sau hội nghị này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp, các ngành khẩn trương hoàn thành các công việc còn lại sau bầu cử. Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ có Báo cáo tổng kết bầu cử và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV để báo cáo tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sắp tới.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kết quả đạt được của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là thành quả bước đầu để chúng ta vững tin hơn trong xây dựng, củng cố nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra đối với Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp là rất lớn, rất quan trọng, đòi hỏi phải sớm bắt tay vào triển khai thực hiện.
"Tới đây, chúng ta cần tập trung vào tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV. Đây là kỳ họp hết sức quan trọng với nhiệm vụ trọng tâm là xem xét, quyết định tổ chức và nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước trong nhiệm kỳ; xem xét, quyết định một số chương trình, kế hoạch lớn của nước ta cho 5 năm sắp tới…," Chủ tịch Quốc hội nói.
Năm 2021 cũng là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Nghị quyết đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm tới đây là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội khoá XV, của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, do đó cũng tác động trực tiếp và đánh dấu mức độ chuyển biến về chất trong đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
Bước vào nhiệm kỳ mới, mỗi đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cần làm tốt vai trò trung tâm trong hoạt động của cơ quan dân cử, phát huy đầy đủ, tích cực trách nhiệm của mình theo Hiến pháp và pháp luật, phải luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết và quyết tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Theo Vietnamplus