Cơ duyên phác thảo ra quốc kỳ nước bạn
Chúng tôi gặp vị cựu chiến binh có nước da ngăm ngăm trong một buổi chiều đầy nắng. Sự giản dị, mộc mạc và những câu chuyện về cuộc đời ông đã giúp xoa dịu cái nắng gay gắt và sự ồn ào của đường phố. Thay vào đó là cả một sự cảm phục của chúng tôi về một người lính đầy tài năng nhưng không một chút kiêu hãnh khi nói về mình. Ông chính là họa sĩ, nhà điêu khắc, nhiếp ảnh gia Lâm Quang Nới (SN 1950, quê Nam Định).
Nhà điêu khắc Lâm Quang Nới chia sẻ về con đường nghệ thuật của mình.
Lớn lên khi đất nước đang dầm mình dưới sự tàn phá của quân xâm lược, chàng thanh niên Lâm Quang Nới đã nhen nhóm trong mình một ngọn lửa đấu tranh cách mạng. Ông lên đường vào Nam chiến đầu từ năm 1968, và may mắn trở về dưới sự ác liệt của súng đạn quân thù. Sau giải phóng, ông tiếp tục bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước bằng con đường học vấn. Ông thi vào trường đại học Mỹ thuật (TP.HCM) với mong muốn mang lại những sản phẩm văn hoá có giá trị cho đất nước. Năm 1975, Chính phủ và đoàn đại biểu Việt Nam trong đó có ông Nới nhận nhiệm vụ quốc tế cao cả. Đó là tổ chức buổi lễ chào đón Chính phủ Campuchia ra đời tại quảng trường cây số 0 (trên quốc lộ 6, ở cửa khẩu Hoa Lư, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước).
Nhớ lại sự kiện này, ông cho biết: "Công việc của tôi lúc này là trang trí quảng trường trên một quả đồi cao vút. Sau khi dùng xe ủi phẳng một khu đất, anh em chúng tôi đã dựng lên một sân khấu lớn ngay tại đây. Để hoàn thành khâu chuẩn bị, chúng tôi phải tiến hành trang trí phông cho buổi lễ. Tuy nhiên, một vấn đề nan giải đặt ra cho chúng tôi là lúc bấy giờ chưa hề có biểu tượng quốc kỳ của Campuchia. Vì thời gian gấp rút lại không có tài liệu nhiều, tôi đã mày mò bằng những kiến thức học được để vẽ biểu tượng quốc kì trên lá cờ hình chữ nhật của nước bạn. Sau nhiều lần góp ý và chỉnh sửa, tôi đưa ra một bản vẽ có hình năm chiếc tháp được đặt cạnh nhau, trong đó tháp giữa được vẽ cao nhất và hai bên được bố trí bằng hai tháp thấp dần đều nhau".
Ông Nới bồi hồi kể lại: "Khi bản vẽ được đưa ra duyệt thì bị mọi người cười vì bản vẽ quá trơn tru nhìn như những quả đạn pháo không được đẹp nên buộc tôi phải tìm cách chỉnh sửa lại. Đang lúng túng không biết phải làm gì thì bất chợt, tôi nhớ ra là có mẫu hình năm chiếc tháp hay được in trên bìa cuốn vở 100 trang của học sinh. Nghĩ và làm ngay, tôi tức tốc chạy về Tây Ninh mua một chồng vở lên, rồi cặm cụi vẽ lại từng chi tiết cho năm chiếc tháp. Cho đến bây giờ, mặc dù đã qua nhiều lần chỉnh sửa, nhưng cơ bản biểu tượng quốc kỳ năm tháp vẽ vẫn được nước bạn Campuchia sử dụng".
Công trình tượng đài Bác Hồ bắt tay chúc mừng Bác Tôn gây nhiều tiếng vang của nhà điêu khắc Lâm Quang Nới.
Những công trình tượng đài đi vào lịch sử
Không chỉ có nhiều sản phẩm để đời trên lĩnh vực mỹ thuật, từ năm 1982 về công tác tại Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM, ông Nới đã đưa sự nghiệp của mình bước sang một lối rẽ hoàn toàn mới gắn liền với các công trình điêu khắc có giá trị lịch sử lớn. Ông Nới tâm sự: "Cho đến bây giờ, phần thưởng vô giá nhất dành cho tôi đó là tự tay mình đã xây dựng 40 công trình tượng đài trên cả nước. Đáng vui hơn nữa là để trở thành những sản phẩm văn hoá có giá trị cho đến hôm nay, tất cả những công trình này đều đã trải qua sự lựa chọn vô cùng khắt khe và khoa học của Hội đồng nghệ thuật dưới sự quản lí của Chính phủ".
Một trong những công trình tượng đài gây nhiều tiếng vang và ghi lại tên tuổi của nhà điêu khắc Lâm Quang Nới đó chính là công trình khắc hoạ lại cái bắt tay thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc của Bác Hồ và Bác Tôn được xây dựng tại công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) năm 2009. Liên quan đến công trình này, nhà điêu khắc Quang Nới chia sẻ: "Năm 2009, để chuẩn bị cho lễ hội nhân dịp 1.000 năm Thăng Long, cấp trên đã gợi ý cho đoàn đại biểu TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung về việc sáng tạo, xây dựng một bức tượng ghi lại khoảnh khắc Bác Hồ bắt tay chúc mừng Bác Tôn được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch nước (tháng 7/1960) làm điểm nhấn trong lễ hội. Trước chủ trương này, ban lãnh đạo TP.HCM đã phát động mọi người tham gia sáng tạo và xây dựng tượng đài".
Ông Nới đã bắt tay ngay vào công việc sáng tác khi cuộc thi vừa phát động. Ông nhớ lại: "Nhận thấy đây là một công trình có ý nghĩa lớn, tôi đã lao vào tìm tòi tài liệu, sách vở liên quan đến sự kiện trọng đại này. Sau khi tìm hiểu cả một quá trình dai dẳng và gian nan của lịch sử nước nhà, tôi nhận ra rằng hành động bắt tay chúc mừng của Bác Hồ và Bác Tôn không chỉ đơn giản là chúc mừng khi nhận chức mà còn thể hiện một tinh thần đại đoàn kết Bắc - Nam, đấu tranh thống nhất nước nhà. Tuy nhiên, trước tính chất khó khăn khi sáng tác bàn tay trong nghệ thuật điêu khắc, tôi đã phải vận động hết "nội công" của mình cho việc xây dựng điểm nhấn của công trình là tìm vị trí cho các bàn tay".
Cuối cùng, nhà điêu khắc Quang Nới đã quyết định thiết kế việc bắt tay của hai Bác không phải bằng bốn tay mà chỉ bằng hai tay. Ông cho biết: “Nếu khắc hoạ bằng bốn bàn tay đang nắm chặt lấy nhau thì chỉ thể hiện được sự kính trọng của Bác Tôn dành cho Bác Hồ. Vì vậy, tôi đã để cho hai Bác bắt bằng hai tay. Hai cánh tay còn lại, Bác Hồ đang vỗ về chúc tụng nhắn gửi, còn cánh tay của Bác Tôn đang đưa ra để đón nhận lời chúc tụng đó. Hơn một năm mày mò xây dựng, tượng đài của tôi đã được đưa ra dự thi cùng hàng trăm bức tượng của nhiều nghệ nhân điêu khắc trên cả nước. Dưới sự lựa chọn gắt gao, nghiêm khắc của Hội đồng nghệ thuật, tượng đài của tôi đã được lựa chọn, đánh giá cao và công nhận là di sản văn hoá của dân tộc. Mọi người cho rằng, bốn bàn tay của tượng đài đã nói lên tất cả tình cảm anh em, đồng đội, thầy trò của Bác Hồ và Bác Tôn".
Không chỉ thành công trên lĩnh vực hội hoạ và điêu khắc, nghệ sĩ Quang Nới còn là một tay nhiếp ảnh gia kì cựu có nhiều tác phẩm để lại ấn tượng trong làng nhiếp ảnh tại TP.HCM. Mặc dù đã bước sang tuổi 60, ông vẫn miệt mài với công tác tổ chức đi sáng tác ảnh nghệ thuật khắp mọi miền đất nước với niềm đam mê và bầu nhiệt huyết của một người cả đời sống vì nghệ thuật.
Lí luận phê bình nghệ thuật đang chết dần Kết thúc cuộc trò chuyện với chúng tôi, điêu khắc gia Quang Nới tâm sự: "Đến bây giờ, điều tôi cảm thấy buồn nhất đó là lĩnh vực lý luận phê bình nghệ thuật đang chết dần ở tất cả mọi lĩnh vực. Điều này đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước. Chẳng hạn như hầu hết người Việt Nam nào cũng mua tranh tặng các vị quan khách nước ngoài mỗi khi họ đặt chân đến đây mà không phân biệt tranh nào thật, tranh nào giả. Nếu không may mua phải một bức tranh kém chất lượng chỉ được một thời gian ngắn là mục nát, sẽ trở thành một việc làm phản cảm về hình ảnh nước nhà. Chính vì vậy, trong thời gian sắp tới Nhà nước cần có những định hướng cho quần chúng về nghệ thuật một cách đúng đắn và thiết thực hơn". |
Thơ Trịnh