Các nhà bán lẻ Mỹ đang dự báo một mùa chi tiêu kỷ lục cho kỳ nghỉ lễ sắp tới. Nhưng việc giá cả tăng với tốc độ nhanh nhất trong 30 năm sẽ khiến hơn 11% người Mỹ cảm thấy buồn hơn khi mùa Giáng Sinh này ngày càng gần kề.
Lạm phát đặc biệt ảnh hưởng đến các gia đình có thu nhập thấp hơn. Họ thường phải chi tiêu khoảng 1/3 thu nhập của mình cho các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và năng lượng. Nó đang “khoét sâu” vào những đợt tăng lương gần đây.
Và thời điểm lạm phát tăng cao không thể tồi tệ hơn, nó đến sau khi gói cứu trợ dịch bệnh liên bang hết hạn, khiến khoảng 7,5 triệu người bị ảnh hưởng.
Kỳ nghỉ lễ sẽ làm lộ rõ sự bất bình đẳng trong quá trình phục hồi kinh tế.
Phần lớn người Mỹ với tổng cộng hơn 2 nghìn tỷ USD tiền tiết kiệm dư thừa được tích lũy trong thời gian đại dịch đã sẵn sàng để “vung tiền” cho các món quà tặng và các chuyến du lịch dịp nghỉ lễ, Bloomberg đưa tin.
Trong khi đó, hơn 11% số người còn lại hoàn toàn không có kế hoạch chi tiêu gì cho kỳ nghỉ lễ. Tỉ lệ này là cao nhất trong ít nhất 10 năm và hơn gấp đôi con số năm 2020, theo một cuộc khảo sát của Deloitte LLP.
Và tổ chức từ thiện Cứu Thế Quân (Salvation Army) đang chuẩn bị hành động cho một kỳ nghỉ lễ tương tự như kỳ nghỉ lễ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, theo Chỉ huy Quốc gia của Salvation Army, Kenneth Hodder.
Một báo cáo hôm 16/11, dựa trên ước tính vào thời điểm đóng cửa thị trường hôm 15/11, cho thấy doanh số bán lẻ ở Mỹ đã tăng 1,5% trong tháng 10 so với tháng trước, mức cao nhất kể từ tháng 3. Tuy nhiên, dữ liệu không được điều chỉnh theo lạm phát, và các nhà kinh tế dự báo rằng việc giá cả tăng sẽ làm “tổn thương” nhu cầu của người tiêu dùng trong thời gian tới.
Giá cả tăng nhanh hơn thu nhập
Tiền lương cũng đã tăng trong năm qua trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt, đặc biệt là ở những người lao động được trả lương thấp hơn. Nhưng giá cả đang tăng nhanh hơn. Thu nhập trung bình theo giờ đã điều chỉnh theo lạm phát trong tháng 10 thấp hơn 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
Việc gói hỗ trợ dịch bệnh kết thúc được cho là đã khiến những đối tượng hưởng lợi từ gói trợ cấp này kiếm được ít hơn 50.000 USD hàng năm, dẫn đến họ phải thắt chặt ngân sách của mình.
Chi tiêu trung bình đối với những người hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm 23% so với mức trung bình trong tháng 5, theo dữ liệu của ngân hàng đầu tư đa quốc gia Bank of America Corp. (BofA) tính đến tuần kết thúc vào ngày 9/10. Đây là số liệu mới nhất có sẵn.
Nery Peña, 27 tuổi, một giáo viên lớp một và là bà mẹ đơn thân của 2 con ở Washington, D.C., cho biết khoản tín dụng thuế trẻ em và khoản viện trợ tác động kinh tế là cứu cánh cho gia đình cô trong năm qua.
Cô nhận được khoảng 500 USD/tháng kể từ tháng 7. Nhưng khoản thanh toán tín dụng thuế tiếp theo đến hạn vào khoảng ngày 15/12 sẽ là khoản cứu trợ cuối cùng cô nhận được, trừ khi Quốc hội thông qua gói chi tiêu xã hội. Do đó, Peña đã bắt đầu thắt chặt chi tiêu của mình.
“Giá thực phẩm đang tăng, giá xăng đang tăng - giá mọi thứ đều đang tăng”, Peña cho biết. “Thật may khi các con gái của tôi rất hiểu chuyện. Nhưng với tư cách là một người mẹ, tôi cảm thấy thật tệ khi phải nói với con mình rằng Giáng Sinh năm nay sẽ không giống như Giáng Sinh những năm trước”.
Salvation Army đang có kế hoạch phục vụ nhiều bữa ăn hơn so với số lượng kỷ lục của năm 2020, và sẽ cần thêm khoảng 50% kinh phí để đáp ứng nhu cầu tăng cao, Hodder cho biết.
Ông mong Salvation Army sẽ nhận được hỗ trợ để tổ chức có thể tiếp tục các hoạt động từ thiện của mình.
“Chúng tôi đang lo sợ về cái mà chúng tôi gọi là nghèo đói do đại dịch”, Hodder cho biết.
Đối với những người kiếm được 40.000-90.000 USD, các khoản hỗ trợ sẽ kết thúc trong vòng 2-3 tháng tới, theo Bloomberg Economics.
Sự khó khăn của họ có thể không được thể hiện qua con số chi tiêu trên toàn quốc.
10% người có thu nhập cao nhất chiếm gần 1/2 chi tiêu cá nhân ở Mỹ, theo tính toán của Wells Fargo & Co. vào đầu năm nay.
Và cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy các gia đình giàu có đang giảm chi tiêu. Hoàn toàn ngược lại: Các hộ gia đình có thu nhập hàng năm trên 150.000 USD sẽ chi tiêu gần như gấp đôi số tiền trung bình trong mùa lễ này, theo một báo cáo từ PwC.
Laurie Knecht, 53 tuổi, không phải đối tượng được nhận khoản tín dụng thuế trẻ em vì con trai bà đã qua độ tuổi quy định. Là một nhân viên massage bán thời gian, bản thân bà cũng không đủ điều kiện để nhận thêm trợ cấp thất nghiệp. Tất cả thu nhập của bà đều được dùng để chi trả các loại hóa đơn như hóa đơn điện, nước… Các hóa đơn này cũng đang tăng vùn vụt, đặc biệt là trong mùa đông khắc nghiệt ở thành phố Chicago, bang Illinois.
“Thành thật mà nói, Giáng Sinh có thể sẽ rất buồn. Tôi đã không mua bất cứ thứ gì trong một thời gian dài”, Knecht chia sẻ. "Tôi luôn có một xấp hóa đơn đang đợi để trả".
Đại dịch tác động đến lạm phát
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng đại dịch Covid-19 là nguyên nhân gây ra sự gia tăng lạm phát kỷ lục mà Mỹ đang đối mặt, và cho biết đất nước phải tiếp tục "đạt được tiến bộ" trong đối phó với đại dịch để kiểm soát lạm phát.
“Đại dịch đã và đang tác động đến nền kinh tế và lạm phát. Và nếu chúng ta muốn giảm lạm phát, tôi nghĩ tiếp tục đạt được tiến bộ trong đối phó với lại đại dịch là điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải nhận ra rằng nguyên nhân của lạm phát này là đại dịch”, Yellen cho biết.
Nhận xét của Bộ trưởng Tài chính Mỹ được đưa ra sau khi Bộ Lao động nước này công bố một báo cáo vào tuần trước cho thấy lạm phát đã đạt mức cao nhất trong 31 năm.
Margaret Brennan, người dẫn chương trình của CBS’s Face the Nation, đã hỏi Yellen trong một cuộc phỏng vấn được ghi hình trước để phát sóng hôm 14/11 rằng liệu bà có tin rằng giá hàng tiêu dùng sẽ trở lại mức bình thường vào tháng 11 năm sau hay không.
Bộ trưởng Tài chính trả lời rằng nó "thực sự phụ thuộc vào đại dịch."
“Đại dịch thực sự phải chịu trách nhiệm về tác động của nó đối với lạm phát mà chúng ta đang thấy”, bà cho biết.
Theo Yellen, trong bối cảnh đại dịch, nhiều hộ gia đình có xu hướng làm mọi thứ ở nhà nhiều hơn, bao gồm cả làm việc. Khi ở nhà, họ hầu như không chi tiêu cho các hoạt động dịch vụ như việc đi ăn nhà hàng hay đi du lịch. Thay vào đó, họ chuyển sang chi tiêu nhiều hơn vào hàng hóa khiến nhu cầu về sản phẩm tăng vọt.
“Mặc dù nguồn cung sản phẩm đã tăng lên ở Mỹ và trên toàn cầu, nhưng không nhiều bằng nhu cầu”, bà cho biết thêm.
Bộ trưởng Tài chính dự đoán rằng giá cả có thể trở lại mức bình thường vào nửa cuối năm sau nếu Mỹ “thành công với đại dịch”.
Minh Đức (Theo Bloomberg, Yahoo!News)