Bất động sản có nhiều doanh nghiệp giải thể nhất
Theo số liệu mới công bố của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết năm 2019, bất động sản là ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể cao nhất với 598 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% theo năm và 686 doanh nghiệp giải thể, tăng 39,4%.
Trong khi đó, báo cáo này không ghi nhận thông tin về số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới.
Riêng tại TP.HCM, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết từ tháng 10/2015 đến hết năm 2018, có đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng và 158 dự án bất động sản có nguồn gốc quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý, cá biệt có một số trường hợp thuộc diện phải thanh tra, điều tra. Đây cũng là đợt sàng lọc để loại bỏ những doanh nghiệp bất động sản bất lương, làm ăn chụp giật, thậm chí lừa đảo.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng số giao dịch nhà đất thành công trong cả nước năm 2019 là 83.136 giao dịch, giảm 26,1% so với năm 2018; trong đó, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chỉ có 6.280 giao dịch, cũng giảm 20% so với năm 2018.
Doanh nghiệp “chết” chủ yếu là môi giới
Bình luận về tình hình này với Zing, chuyên gia kinh tế Sử Ngọc Khương cho rằng số lượng 686 doanh nghiệp bất động sản giải thể nói trên chủ yếu là những công ty cung cấp dịch vụ môi giới.
"Nguyên nhân chính là trong năm qua, thị trường đã chứng kiến một sự thiếu hụt lớn về nguồn cung nên các doanh nghiệp này không có hàng để bán.
Chính vì vậy, khi nói nhiều doanh nghiệp bất động sản "chết" trong năm 2019, cần phải nhìn nhận rằng chúng ta đang nói đến các công ty khởi nghiệp và các công ty môi giới nhà đất trên thị trường", ông Khương bình luận.
Cần phải nói thêm rằng xu hướng doanh nghiệp bất động sản nhỏ ngừng hoạt động và giải thể gia tăng trong năm qua là điều đã được đoán trước đối trong mắt giới chuyên gia.
Do giá nhà tăng cao?
Khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng khi lãi suất gia tăng và hạn chế những chương trình ưu đãi dành cho ngành bất động sản là rào cản lớn với các doanh nghiệp bất động sản nhỏ.
Năm qua lãi suất tiếp tục tăng cao (lãi suất huy động lên 8,7%, cộng thêm biên độ 3% thì lãi suất cho vay lên đến 11-12%); nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiếp tục giảm từ 45% xuống 40%, hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản tăng từ 150% lên 200%…
Theo chuyên gia, trong giai đoạn 2009-2010, thị trường đã đối mặt với cuộc khủng hoảng "thừa" khi nguồn cung bất động sản lớn nhưng không có người tiêu thụ.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến thị trường bất động sản rơi vào cuộc khủng hoảng thừa là do giá thành sản phẩm tăng cao, thu nhập của đại bộ phận người dân không đủ đáp ứng.
Căn hộ chung cư tăng giá khoảng 15-20% (cá biệt, có dự án nhà ở tại quận 9 có mức giá bán căn hộ tăng đến 39%) so với năm 2018. Hiện nay, các sản phẩm ở mức giá 20-30 triệu đồng/m2 rất hiếm trên thị trường.
Do vậy, số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, mới lập nghiệp khó tạo lập nhà ở hơn, giấc mơ có nhà ở ngày càng xa vời.
Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ bị phá sản.
Lê Lan (Tổng hợp)