Huế xuất viện 4 bệnh nhi "đặc biệt" sau các ca ghép tủy phức tạp

Huế xuất viện 4 bệnh nhi "đặc biệt" sau các ca ghép tủy phức tạp

Thứ 2, 21/07/2025 17:59

Bốn bệnh nhi từng sống chung với ung thư và Thalassemia vừa được Bệnh viện Trung ương Huế xuất viện sau các ca ghép tủy thành công, đánh dấu bước tiến mới trong hành trình mang lại cuộc sống mới cho các em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo.

Ngày 21/7, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế, cùng ngày, bệnh viện đã tổ chức buổi lễ xuất viện cho bốn bệnh nhi đặc biệt, trong đó có 3 em được ghép tủy đồng loại điều trị Thalassemia và 1 em hoàn tất ca ghép tủy tự thân thứ 50.

Sự kiện đánh dấu bước tiến vững chắc của bệnh viện trong hành trình cứu chữa và mang lại cuộc sống mới cho các bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo.

Huế xuất viện 4 bệnh nhi "đặc biệt" sau các ca ghép tủy phức tạp- Ảnh 1.

Hình ảnh ghi tại lễ xuất viện.

Theo đó, 4 bệnh nhi đặc biệt này gồm: Bé T.T.D. (5 tuổi, Lâm Đồng) là bệnh nhi thứ 50 được ghép tủy tự thân do u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao. Sau khi điều trị tấn công và ghép tế bào gốc vào ngày 6/5/2025, cháu hồi phục khả quan, đang chuẩn bị bước vào giai đoạn xạ trị tiếp theo.

Bé B.T.D. (9 tuổi, dân tộc Mường, Kon Tum) là ca ghép đồng loại thứ 8, được ghép từ anh trai phù hợp HLA. Hiện các chỉ số tiểu cầu và bạch cầu phục hồi tốt sau 17 ngày.

Bé N.H.H. (2 tuổi, Bắc Giang) mắc alpha-thalassemia bẩm sinh, được ghép tủy từ người anh trai 7 tuổi – dù có mang gen bệnh và bất đồng nhóm máu. Ca ghép được cứu thành công nhờ kỹ thuật dung hòa miễn dịch.

Và bé L.N.H. (10 tuổi, Đà Nẵng) phụ thuộc truyền máu từ 7 tháng tuổi, từng bị cắt lách, gan to. Mặc dù có yếu tố nguy cơ cao và bất đồng nhóm máu, em vẫn hồi phục ngoạn mục sau ghép nhờ được truyền từ em gái phù hợp HLA.

Huế xuất viện 4 bệnh nhi "đặc biệt" sau các ca ghép tủy phức tạp- Ảnh 2.

Một bệnh nhi hồi phục sau ca ghép.

Theo Bệnh viện Trung ương Huế, từ khi triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc vào tháng 11/2019, bệnh viện đã tiến hành tổng cộng 60 ca ghép thành công cho trẻ em, bao gồm 50 ca ghép tự thân cho các bệnh u đặc như u nguyên bào thần kinh, u nguyên bào võng mạc di căn, lymphoma non-Hodgkin tái phát và 10 ca ghép đồng loại cho bệnh nhân mắc tan máu bẩm sinh (Thalassemia).

Ghép tế bào gốc là kỹ thuật điều trị tiên tiến, mang tính đột phá trong y học hiện đại, đặc biệt hiệu quả với các bệnh về máu và ung thư ở trẻ em. Với phương pháp này, nhiều bệnh nhi đã thoát khỏi cảnh sống phụ thuộc vào truyền máu, giành lại cuộc đời và tương lai khỏe mạnh.

Bệnh viện Trung ương Huế hiện là đơn vị y tế đầu tiên ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên và thứ ba toàn quốc thực hiện thành công kỹ thuật ghép tủy phức tạp này.

GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: "Chỉ trong vòng 10 tháng kể từ ca ghép đồng loại đầu tiên vào tháng 9/2024, chúng tôi đã thực hiện 10 ca ghép liên tiếp thành công, trong đó có hai ca ghép bất đồng nhóm máu, một bước tiến y học được áp dụng lần đầu tại Việt Nam".

Thành công liên tiếp trong ghép tủy không chỉ mở ra cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi mắc Thalassemia, một căn bệnh di truyền phổ biến tại Việt Nam, mà còn là nền tảng để bệnh viện mở rộng kỹ thuật này cho các bệnh lý khác như suy tủy, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, ung thư tái phát...

"Trong thời gian tới, Bệnh viện Trung ương Huế sẽ tiếp tục đầu tư chiều sâu về công nghệ, đào tạo đội ngũ chuyên môn và kết nối các ngân hàng tế bào gốc trên toàn quốc, với quyết tâm mang lại thêm nhiều “cuộc đời thứ hai” cho các em nhỏ không may mắc bệnh hiểm nghèo", GS.TS Phạm Như Hiệp nhấn mạnh.

Lê Kông

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.