Một xe tăng bị phá hủy ở Lugansk, miền đông Ukraine.
Xung đột ở Ukraine có thể kéo dài đến năm 2030, ông Orban trả lời đài Mỹ RFE/RL. Theo ông Orban, cuộc khủng hoảng ở Ukraine bắt đầu như một cuộc xung đột cục bộ, nhưng sự can thiệp của phương Tây đã biến nó thành một vấn đề toàn cầu.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Orban tiếp tục chỉ trích các lệnh trừng phạt Nga của Liên minh châu Âu (EU). Ông Orban một lần nữa cho rằng EU đã "tự bắn vào chân mình" khi trừng phạt Nga.
Nhà lãnh đạo Hungary dự đoán Ukraine có thể mất một nửa hoặc 1/3 lãnh thổ trong xung đột với Nga. Moscow hiện đang kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine.
Ông Orban nói thêm rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng liên quan đến các lệnh trừng phạt Nga có thể buộc 40% ngành công nghiệp châu Âu phải đóng cửa vào mùa đông năm nay.
Thủ tướng Hungary cũng tiết lộ, các nhà lãnh đạo châu Âu dự kiến sẽ quyết định kéo dài các lệnh trừng phạt thêm 6 tháng. Ông Orban nhấn mạnh, cần phải nỗ lực để ngăn chặn việc gia hạn đó, dự kiến diễn ra trong vài tháng tới.
Theo ông Orban, với tình hình hiện tại, khu vực đồng tiền chung Euro và EU có thể ngừng tồn tại vào năm 2030.
Hungary, quốc gia thành viên EU, giữ quan điểm trung lập trong cuộc xung đột ở Ukraine. Hungary được EU cho phép tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt Nga trong năm tới do phụ thuộc 90% vào nguồn năng lượng Nga.
Hôm 18/9, Ủy ban Ngân sách của EU khuyến nghị đình chỉ khoảng 7,5 tỉ euro tài trợ cho Hungary vì lo ngại tham nhũng ở nước này. Johannes Hahn, quan chức ủy ban EU, nói tình hình ở Hungary là điển hình cho thấy "sự vi phạm nguyên tắc pháp quyền sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng và quản lý các nguồn quỹ của EU".
Chính phủ của Thủ tướng Hungary Orban đã đề xuất thành lập một cơ quan chống tham nhũng mới. Ông Orban phủ nhận cáo buộc Hungary đang đối mặt với tham nhũng nghiêm trọng hơn các quốc gia khác trong EU.
Đăng Nguyễn - RT