Bộ Y tế vừa đưa ra hướng dẫn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và xử lý nước sau mùa bão lụt cụ thể:
Những lưu ý về vệ sinh cá nhân trong và sau bão lũ
Bộ Y tế lưu ý, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch: trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với đồ vật bẩn, nước bẩn.
Ăn chín uống sôi; sử dụng nước sạch chế biến thực phẩm; không ăn thức ăn ôi thiu, thực phẩm quá hạn sử dụng, thịt gia súc/gia cầm mắc bệnh hoặc chết Không rõ nguyên nhân. Không ăn rau sống lấy từ vùng ngập lụt.
Không bơi lội, tắm hay chơi đùa trong nước ngập lụt; sử dụng khăn mặt, quần áo riêng. Giặt và phơi khăn mặt, quần áo ra nắng. Không mặc quần áo ẩm ướt; ngủ màn.
Về vệ sinh môi trường sau bão lụt
Phương châm là "nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó", dưới đây là những điều cần làm sau bão lụt đó là: Làm sạch bùn, phù sa ra khỏi nhà. Làm sạch tường, đồ đạc, sân, đường đi,...; dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phơi khô quần áo, đồ dùng vật dụng; khơi thông cống rãnh, lấp các vũng nước đọng, phát quang các bụi rậm quanh nhà
Làm vệ sinh, tu sửa bồn cầu nếu hư hỏng; thu gom rác thải, chất thải, xác gia súc/gia cầm chết để xử lý, chôn lấp và tẩy uế theo quy định, tránh gây ô nhiễm nguồn nước.
Thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy, loăng quăng và muỗi. Phun hóa chất diệt côn trùng, khử trùng môi trường ở những nơi nguy cơ cao.
Các bước xử lý nước để ăn uống, sinh hoạt sau bão lụt
Làm trong nước -> Khử trùng -> Đun sôi (nếu uống trực tiếp)
Bước 1: Làm trong nước: có thể bằng phèn chua hoặc bằng vải như hướng dẫn trong Infographic 3 ở trên.
Bước 2: Khử trùng nước bằng cách đun sôi hoặc thiết bị lọc như Infographic 3 ở trên.
Nước đã được làm trong và khử trùng có thể sử dụng cho các mục đích nấu ăn, sinh hoạt. Nếu uống trực tiếp, vẫn phải đun sôi nước trước khi uống.