Bước sang năm 2022, UBND huyện Cát Hải đã chỉ đạo, ưu tiên mọi nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng của Ban Thường vụ Thành ủy về Chuyển đổi số Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Từ đó tạo điều kiện tăng tốc chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trên địa bàn huyện trong giai đoạn mới trên 3 lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số với 6 nhiệm vụ trọng tâm: phát triển hạ tầng số; phát triển dữ liệu số; phát triển nền tảng số; phát triển chính quyền số; phát triển kinh tế số; phát triển xã hội số.
Luôn chủ động, tích cực trong triển khai Chuyển đổi số, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Nhằm nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của chuyển đổi số. Công tác thực hiện Chuyển đổi số trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả rõ rệt.
Về chính quyền số, hạ tầng phục vụ ứng dụng CNTT của huyện được nâng cấp, hoàn thiện. Cổng thông tin điện tử huyện cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình phát triển cũng như các hoạt động của cơ quan nhà nước, các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành và các danh mục thủ tục hành chính để người dân và doanh nghiệp tìm kiếm thông tin nhanh chóng, dễ dàng.
Hiện nay, huyện Cát Hải đang sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc Hpnet. Hệ thống này được triển khai đồng bộ đến các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, UBND các xã và thị trấn. Huyện cũng khai thác, sử dụng khá hiệu quả hầu hết các thủ tục hành chính đã được cập nhật vào Hệ thống, phục vụ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa. 100% cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn đều vận hành và khai thác Hệ thống một cửa điện tử và Dịch vụ công trực tuyến.
Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng đạt trên 95% (trừ các văn bản mật theo quy định).
Trên lĩnh vực kinh tế số cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, trên địa bàn huyện có 12 hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn để kết nối, quảng bá, giao dịch, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
Trong lĩnh vực du lịch Huyện Cát Hải đã triển khai phần mềm quản lý lưu trú; kiểm soát vé tham quan du vịnh tự động và bán vé trực tuyến; bổ sung, nâng cấp Cổng thông tin du lịch Cát Bà.100% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện được cập nhật thông tin, dữ liệu trên phần mềm quản lý khách du lịch lưu trú trên địa bàn huyện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch và lưu trữ hồ sơ công việc trong bối cảnh xây dựng và vận hành Chính phủ số hiện nay.
Ở trụ cột xã hội số, Huyện đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sang sử dụng điện thoại thông minh để thuận tiện trong sử dụng các dịch vụ, thủ tục hành chính, chuyển đổi số. Cụ thể 100% khu dân cư được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet đạt mức cao (khoảng 60%). Bên cạnh đó, Huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ tài chính - ngân hàng trực tuyến…
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, huyện Cát Hải đã triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành như Hệ thống quản lý thông tin và TEMIS, tổ chức dạy học trực tuyến bằng các ứng dụng; tạo các bài giảng điện tử, bài giảng E-learning sử dụng trong dạy học; …
Về Phát triển hạ tầng số huyện tiến hành khảo sát và đề xuất lắp đặt bổ sung trạm BTS; xây dựng thiết kế và triển khai các nội dung của Trung tâm điều hành thông minh huyện Cát Hải …
Bên cạnh đó huyện cũng quan tâm đến công tác Bảo đảm an ninh mạng như thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống công nghệ thông tin và thực hiện các biện pháp phát hiện, ngăn chặn nguy cơ gây mất an toàn thông tin tại cơ quan và các đơn vị trực thuộc. Đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra sự cố liên quan đến an toàn, an ninh mạng.
Trên Chuyến tàu mang tên “Công nghệ số”, huyện Cát Hải đã và đang nỗ lực để bắt nhịp kịp thời với tiến bộ của cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng linh hoạt những thành tựu đó vào từng ngành, lĩnh vực với kì vọng thông qua công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, cải cách triệt để các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho Doanh nghiệp và người dân từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành Quốc gia số vào năm 2030.