Huyền thoại về ông Tú Tài ‘tái tù’ Tạ Đình Đề

Huyền thoại về ông Tú Tài ‘tái tù’ Tạ Đình Đề

Nguyễn Thị Thu Thảo

Nguyễn Thị Thu Thảo

Thứ 6, 23/09/2016 09:45

"Hoan hô đồng chí Võ Nguyên/ Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về;/ Hoan hô anh Tạ Đình Đề/ Trước là mật thám nay về với ta.”

Tạ Đình Đề sinh năm 1917 tại Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội. Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của Lương Văn Can. Và chính dòng máu nghĩa hiệp, khảng khái của gia đình đã làm tiền đề, hun đúc nên một huyền thoại giữa đời thực như ông.

Xung quanh Tạ Đình Đề có những câu chuyện vừa hư, vừa thực. Thực vì nó được chứng kiến và kể lại bởi những con người bằng xương, bằng thịt. Hư bởi những yếu tố li kì, bởi sự hào sảng, khảng khái của ông mà có lẽ chúng ta chỉ gặp trong những huyền thoại, truyền thuyết không có thực.

Người ta kể rằng, Tạ Đình Đề từng là tình báo địch, ông được giao nhiệm vụ theo dõi Bác Hồ. Nhưng câu chuyện thực tế đã ngược lại hẳn mong đợi khi vào một buổi trưa, Bác Hồ bỗng dưng nói với cần vụ lấy thêm bát đũa rồi nói to: “Xin mời anh Tạ Đình Đề vào ăn cơm trưa với tôi”.

Biết đã bị lộ, một thanh niên nhảy vọt ra đứng ngay trước mặt Bác Hồ. Không hiểu hai người nói chuyện gì mà Tạ Đình Đề thay đổi mục đích chuyến “viếng thăm” này và nói: “Vậy tôi quyết định chấm dứt nhiệm vụ của địch giao cho, và xin đặt mình dưới quyền sử dụng của Bác”. Từ đó Tạ Đình Đề trở thành cận vệ thân tín của Bác Hồ - và đó cũng là một trường hợp đổi vai kì diệu, có một không hai trong lịch sử nước ta.

Trong suốt quãng thời gian đi theo Bác Hồ, nhiều lần Tạ Đình Đề đã chứng tỏ tài năng xuất chúng của mình. Nhà văn Mai Ngữ trong “Lãng đãng chiều sương” kể một câu chuyện đặc biệt ấn tượng về sự tâm huyết và nhạy bén của nhân vật Tạ Đình Đề khi làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ:

Tôi nhớ lại hồi Hà Nội xử vụ án Tạ Đình Đề, thiên hạ hiếu kỳ cả người lớn cả trẻ em đến ngồi đầy trong sân toà án. Tôi nghe trong đám trẻ chừng mười bốn, mười lăm tuổi đang ngồi xúm quanh một đứa lớn hơn đang liến láu kể chuyện, mắt mũi trợn trạo:

- Thế này nhé, hồi Bác Hồ sang Trung Quốc, có người mời Bác hút thuốc lá. Bác vừa ngậm điếu thuốc trên môi thì ông Tạ Đình Đề đứng bảo vệ Bác rút súng lục bắn “oành” một phát trúng điếu thuốc rơi xuống, ghê không? Chẳng là người ta đã tẩm thuốc độc vào điếu thuốc lá mà…

Lũ trẻ ngồi ngẩn mặt nghe”…

Tin cũ - Huyền thoại về ông Tú Tài ‘tái tù’ Tạ Đình Đề

Tạ Đình Đề khi còn trẻ. Ảnh: Internet.

Rồi có một câu chuyện khác không kém phần gay cấn đó là vụ ông Đề nổ súng ngay sân khấu. Chẳng là có lần, ông được đi dự một buổi trình diễn sân khấu, khi màn biểu diễn vừa kết thúc, diễn viên chưa kịp nói lời chào khán giả thì Tạ Đình Đề đã rút súng, bắn chết một nữ diễn viên trong sự bàng hoàng của tất cả mọi người. Sau đó, khi khám xét nghiệm tử thi, người ta đã phát hiện ra một cục thạch anh và một khẩu súng được cất giấu trong người ả. Hóa ra, nữ diễn viên đó lại là một điệp viên muốn nhân cơ hội đó để ám sát lãnh tụ.

Với sự nhạy bén, tinh nhanh cùng tài bắn súng, tình báo xuất quỷ nhập thần, ông đã khiến quân địch khi nghe đến danh Tạ Đình Đề phải kiêng nể, sợ hãi. Còn người dân thì hết lòng khâm phục và cảm mến. Tuy thế, khi được Đại tá Quách Hải Lượng (một người đã từng gặp ông Đề tại chiến khu Việt Bắc) hỏi về tài bắn súng của ông thì ông hài hước mà trả lời rằng:

Các ông chẳng biết gì về tình báo cả, người tình báo nào mà chẳng bắn trúng, khi cần bắn thì… dí súng vào người mà bóp cò, làm gì mà chả trúng. Chứ đừng nghĩ bắn súng như tiểu thuyết và xi-nê”.

Năm 1954, sau giải phóng Thủ đô, Tạ Đình Đề rời quân ngũ và về công tác tại Tổng cục Đường sắt Việt Nam. Có lẽ, quãng thời gian ông công tác ở cơ quan này là quãng thời gian đáng nhớ, tuyệt vời nhất nhưng cũng cay đắng nhất đối với ông.

Ông là người trực tiếp lãnh đạo và xây dựng phong trào Thể dục Thể thao và Văn hóa Văn nghệ ngành Đường sắt Việt Nam. Đội Bóng đá Tổng cục Đường sắt nổi danh một thời cũng là do công sức đóng góp lớn của ông. Ngoài ra, ông cũng là ân nhân, là nguồn cảm hứng cho rất nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi như Lưu Quang Vũ, Phan Lạc Hoa, Trọng Nghĩa,...

Trong tập phóng sự “Mọi linh hồn đều được đưa tiễn” của Xuân Ba, tác giả có kể về cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Lưu Quang Vũ và Tạ Đình Đề. Hoàn cảnh gặp gỡ giữa hai người vô cũng éo le khi Lưu Quang Vũ đang trong thời kì vô cùng khó khăn. Tạ Đình Đề ngay từ lúc đầu gặp mặt đã nhận ra khí chất đặc biệt trong con người của Lưu Quang Vũ, ông hào phóng giúp đỡ và sau đó chính ông là người luôn động viên Lưu Quang Vũ sống và cống hiến cho nghệ thuật.

Thế nên cũng không có gì bất ngờ khi Tạ Đình Đề chính là nguồn cảm hứng, là nguyên mẫu trong hai tác phẩm kịch nổi tiếng của Lưu Quang Vũ: Tôi và chúng ta, 2000 ngày oan trái.

Ca khúc được cho là ngành ca của ngành đường sắt: Tàu anh qua núi cũng được chính cấp dưới của Tạ Đình Đề sáng tác trong thời gian này – nhạc sĩ Phan Lạc Hoa. Có thể nói, thời kì này chính là thời kì đỉnh cao về văn hóa, văn nghệ của ngành đường sắt.

Không chỉ nhạy cảm với nghệ thuật, hun đúc cho ngành đường sắt một thế hệ nghệ sĩ "vàng", Tạ Đình Đề còn xây dựng và góp phần đưa Xưởng Dụng cụ Cao su Tổng cục Đường sắt trở thành một doanh nghiệp lớn có nhiều sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài ngay từ khi còn chiến tranh và thời kỳ bao cấp.

Ông Tạ Đình Đề đã có chia sẻ: "Sau một thời gian áp dụng phương thức làm ăn mới, anh em công nhân của Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt đã được trả công xứng đáng. Người lao động hăng hái làm việc, có nhiều sáng kiến cải tiến, năng suất lao động tăng lên, sản phẩm của xí nghiệp có độ tinh xảo cao, cạnh tranh được với sản phẩm của nước ngoài. Chỉ tính riêng mặt hàng vợt bóng bàn đã được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Tôi còn nhớ vào thời kỳ đó, vợt bóng bàn thương hiệu Made in Việt Nam do Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt sản xuất không thua kém sản phẩm nước ngoài và được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới".

Vào thời điểm những năm 70 của thế kỷ trước, hàng công nghiệp của ta sản xuất ra và được xuất khẩu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy mà xưởng dụng cụ cao su Đường sắt của ông Đề lúc đầu chỉ là hợp tác xã sản xuất, mà sau đó lại có thể chế tạo ra sản phẩm là vợt bóng bàn đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu, lấy tiền mua đầu máy xe lửa cho Nhà nước thì quả thật là điều kì diệu.

Ngoài ra, ông có rất nhiều quyết định táo bạo nhằm nâng cao hiệu quả công việc cũng như nâng cao đời sống của anh chị em công nhân như: áp dụng hình thức khoán sản phẩm, khoán công việc đến từng người, từng tổ và trả lương theo sản phẩm, thực hiện thưởng lương tháng 13 để công nhân có tiền ăn Tết. Công nhân được đưa đón bằng xe ô tô và ăn giữa ca không mất tiền... Có thể nói, ông chính là một đầu tàu, một người lãnh đạo sáng suốt, thức thời và luôn mạo hiểm thay đổi vì mục đích chung.

Tuy nhiên, “càng khôn ngoan lắm, càng oan trái nhiều”. Tính cách ngang tàn, thẳng thắn của ông đã khiến cuộc đời ông gặp không ít trắc trở. Và chính ông cũng phải cay đắng tự trào, đặt biệt hiệu cho mình là Tú Tài – tức tái tù.

Lần đầu tiên là vào ngày 27/11/1974, Tạ Đình Đề bị bắt, bị giam cứu hai năm để điều tra.

Từ ngày 7/6 đến 12/6 năm 1976, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử Tạ Đình Đề với tội danh tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa. Mấy ngày xử án nắng như đổ lửa nhưng người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Vĩnh Phú… kéo về xem chật kín sân tòa.

Chiều ngày 12/6/1976, tòa đã tuyên Tạ Đình Đề không phạm tội và tuyên bố tha bổng ông ngay tại tòa. Ngay sau khi có kết luận của tòa, nhiều người đến dự bật khóc vì sung sướng. Đó là một cảnh tượng vô cũng xúc động. Nhiều người ào vào công kênh ông Tạ Đình Đề lên vai như công kênh một người anh hùng trở về từ trận mạc. Thế mới thấy tình cảm của người dân thời kì đó dành cho ông thắm thiết và trân trọng như thế nào.

Nhưng hạnh phúc chẳng được bao lâu, tháng 8/1985, Tạ Đình Đề lại một lần nữa vướng vào vòng lao lý vì tội tuyên truyền chống chế độ XHCN. Nguyên nhân cũng chỉ tại ông sưu tầm những câu ca dao, hò, vè châm biếm, trào phúng, kiểu như: “Một yêu anh có may ô/ Hai yêu anh có cá khô để dành/ Ba yêu anh biết mổ trâu/ Bốn yêu anh biết ăn đầu, ăn da…” (?!)

Đến năm 1987 ông mới được trả tự do, nhưng chưa được minh oan, và vẫn bị tước mọi chiến công và quyền công dân. Mãi đến năm 1989, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao mới ký quyết định đình chỉ điều tra vụ án Tạ Đình Đề. Tháng 6/1992, Chánh án tòa án nhân dân tối cao mới chính thức ra công văn đình chỉ điều tra phúc thẩm vụ án Tạ Đình Đề, phục hồi mọi quyền lợi hợp pháp cho ông.

Tuy năm 1992, mọi rắc rối về luật pháp với ông Tạ Đình Đề đã chấm dứt nhưng đằng đẵng 16 năm oan ức của ông đã khiến ông và gia đình có một vết sẹo quá lớn và khó lành. Không những ông phải chịu điều tiếng với đời mà cả hai người con trai của ông cũng bị ảnh hưởng bởi sự sự khắc nghiệt của "bia miệng" xã hội. Rồi đến cuối cùng, chính ông lại là người gánh những nỗi đau mà hai người con phải chịu. Cho đến khi gần đất xa trời (có lẽ đến tận lúc nhắm mắt), ông cũng không sao yên lòng bởi sự tài hoa của ông và sự đố kị của định mệnh đã nhằm đến gia đình ông.

Và bài viết này chính là tấm lòng, là bông hoa của hậu thế kính dâng lên một huyền thoại giữa đời thực. Hi vọng rằng “huyền thoại” Tạ Đình Đề ở “thế giới người hiền” sẽ cảm thấy yên lòng hơn vì mọi cống hiến của ông đã, đang và sẽ được hậu thế ghi nhận. Mọi sự khổ đau, hàm oan của ông cũng đã, đang và sẽ được thấu hiểu, cảm thông.

Và tình cảm của nhân dân dành cho ông mới chính là quan tòa công tâm nhất.

"Hoan hô đồng chí Võ Nguyên,

Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về;

Hoan hô anh Tạ Đình Đề

Trước là mật thám nay về với ta.”

Bảo Trang/NĐT

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.