Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva mới đây cho biết cơ quan đang phối hợp chặt chẽ với Ukraine về việc thực hiện các biện pháp quản lý tốt nhất để ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế nước này. Bà Georgieva chia sẻ trong cuộc thảo luận do tạp chí Foreign Policy (Mỹ) tổ chức: “Có thể nói rằng tiền là quan trọng, nhưng sự hỗ trợ về việc làm thế nào để duy trì hoạt động của hệ thống tài chính cũng quan trọng không kém”.
Bà Georgieva lưu ý rằng IMF đã thông qua khoản tiền cứu trợ khẩn cấp 1,4 tỉ USD cho Ukraine. Khoản tiền nhằm duy trì hoạt động đất nước, hỗ trợ chính quyền và đặc biệt là những người dễ bị tổn thương đảm bảo điện nước sinh hoạt tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.
Bà chia sẻ thêm IMF đang tiến hành đánh giá tác động của cuộc xung đột và lệnh trừng phạt đối với các quốc gia trên thế giới. Nhóm quốc gia đầu tiên gồm các nước láng giềng của Nga và Ukraine. Những quốc gia này có nền kinh tế tương đối yếu và phụ thuộc vào thương mại. Nhóm thứ hai là các quốc gia tiếp nhận người tị nạn. Khoảng 3,3 triệu người Ukraine đã phải lánh nạn khỏi đất nước kể từ khi Nga tiến hành can thiệp quân sự cho tới nay. Nhóm thứ ba là các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng, thực phẩm từ Nga và Ukraine.
Trong một báo cáo công bố hôm 14/3, IMF đánh giá nền kinh tế Ukraine năm 2022 sẽ giảm 10% do hậu quả của căng thẳng quân sự, nhưng triển vọng có thể xấu hơn nữa nếu xung đột tiếp tục kéo dài. Trích dẫn dữ liệu từ các cuộc xung đột trước đây ở Iraq, Lebanon và những nước khác, IMF dự báo sự sụt giảm sản lượng lương thực hàng năm cuối cùng tại Ukraine có thể lên tới 25-35%.
Nền kinh tế Ukraine đã tăng trưởng 3,2% vào năm 2021, trong bối cảnh thu hoạch ngũ cốc ở mức kỷ lục và chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ. Tuy nhiên, ông Vladyslav Rashkovan, chuyên gia tại IMF, cho biết sau khi cuộc xung đột bùng phát vào ngày 24/2 "nền kinh tế ở Ukraine đã thay đổi đáng kể". Nhiều bệnh viện, trường học, nhà ở, đường xá và cơ sở hạ tầng quan trọng bị phá hủy.
Ukraine và Nga, được biết đến như "vựa bánh mì của châu Âu", là những quốc gia xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới. Phần lớn lúa mì Ukraine được xuất khẩu vào mùa hè và mùa thu. Theo IMF, tác động ban đầu của xung đột sẽ là giá cả. Điều này cũng sẽ đẩy giá các loại thực phẩm khác như ngô tăng cao hơn. Nếu cuộc xung đột kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung khi nông dân không thể trồng trọt.
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) đã đưa ra cảnh báo trong một báo cáo rằng "sự gián đoạn xuất khẩu ở vùng Biển Đen sẽ tác động ngay lập tức đến các nước như Ai Cập, vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu ngũ cốc từ Nga và Ukraine". Và các quốc gia khác phụ thuộc nhiều vào ngũ cốc nhập khẩu cũng sẽ đối mặt với khó khăn, bao gồm "những điểm nóng về nạn đói như Afghanistan, Ethiopia, Syria và Yemen".
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva chia sẻ qua hãng tin CBS: "Xung đột ở Ukraine đồng nghĩa với nạn đói ở Châu Phi".
Phạm Hà Thanh (theo AA, Straits Times)