Đối tượng Hương tại cơ quan công an. Ảnh: Công an nhân dân
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can La Văn Hương (SN 1974), trú tại xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang về tội “Làm nhục người khác”
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang tiếp nhận giải quyết đơn trình báo của chị D.T.B (SN 1990), trú tại huyện Lục Ngạn về việc ảnh “nhạy cảm” của chị bị in ra tờ A4 rải khắp nơi gây ảnh hưởng đến danh dự.
Qua làm việc với cơ quan Công an đối tượng Hương khai nhận, bản thân mình và chị B. có quan hệ tình cảm nhưng bị nạn nhân khước từ dẫn đến mâu thuẫn đã nảy sinh hành vi nêu trên.
Từ vụ án trên, trao đổi với PV về quy định xử lý đối tượng có hành vi làm nhục người khác, luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, với việc bị cơ quan công an khởi tố tội danh “Làm nhục người khác”, đối tượng La Văn Hương sẽ đối mặt với mức án nhẹ nhất là phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, nặng nhất có thể bị phạt tù tới 5 năm.
Cùng quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, hành vi tung “ảnh nóng” của người khác lên mạng trực tiếp xâm phạm đến bí mật đời tư và tác động tiêu cực đến cuộc sống riêng tư của nạn nhân. Tùy vào hành vi, động cơ gây án, hậu quả với nạn nhân, người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc xử hình sự như La Văn Hương.
Theo luật sư Bình, luật Dân sự năm 2015 quy định rõ về quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín và quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
“Trong mọi trường hợp việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Nhà nước nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Người nào xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại theo quy định Bộ luật Dân sự”, luật sư Bình cho hay.
Theo luật sư Bình, trong trường hợp có căn cứ xác định nạn nhân bị tung những hình ảnh “nhạy cảm”, “ảnh nóng” lên trên mạng xã hội có nhiều người xem, cơ quan điều tra có thể khởi tố đối tượng vi phạm về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 Bộ luật Hình sự.
Điều 155: Tội làm nhục người khác 1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: a) Phạm tội 02 lần trở lên; b) Đối với 02 người trở lên; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Đối với người đang thi hành công vụ; đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên b) Làm nạn nhân tự sát. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”. |
Hà Giang