IPO Viện Dệt may: Bất ngờ lượng đặt mua gấp 7 lần lượng chào bán

IPO Viện Dệt may: Bất ngờ lượng đặt mua gấp 7 lần lượng chào bán

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 5, 08/03/2018 13:40

Mặc dù tình hình kinh doanh khá èo uột nhưng phiên IPO sẽ diễn ra ngày 12/3 sắp tới của viện Dệt may lại có tín hiệu đáng mừng khi lượng đặt mua cao gấp gần 7 lần lượng chào bán.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo kết quả đăng ký mua cổ phần của Viện nghiên cứu Dệt may – CTCP (VTRI).

Theo đó, 21 nhà đầu tư đã đặt mua tổng cộng hơn 14,3 triệu cổ phần VTRI. Bao gồm 4 tổ chức đăng ký mua 6,3 triệu cổ phần và 17 nhà đầu tư cá nhân đặt mua 8 triệu cổ phần.

Thời gian nộp phiếu tham dự đấu giá chậm nhất 16 giờ 00 phút ngày 8/3. Phien đấu giá sẽ diễn ra vào 08h30 ngày 12/3 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Theo kế hoạch, sẽ có hơn 2,2 triệu cổ phần được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm 12.583 đồng/cổ phần (cổ phần có mệnh giá 10.000 đồng/cp). Nếu bán được trọn lô, số tiền thu về ít nhất là gần 28,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số lượng đặt mua thực tế đến thời điểm này đã là hơn 14,3 triệu cổ phần, gấp gần 7 lần so với lượng chào bán.

IPO Viện Dệt may: Bất ngờ lượng đặt mua gấp 7 lần lượng chào bán

Bất ngờ phien IPO viện Dệt may khi lượng đặt mua gấp gần 7 lần lượng chào bán

Theo phương án đã được phê duyệt, sau cổ phần hóa, viện Dệt may Việt Nam sẽ có tên mới là Viện Nghiên cứu Dệt may – CTCP, với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, có trụ sở chính đóng tại số 478 Minh Khai, Hà Nội và có phân viện tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Về cơ cấu cổ phần dự kiến, Nhà nước sẽ không còn nắm giữ cổ phần nào; có 2.263.000 cổ phần (45,26%) chào bán cho nhà đầu tư chiến lược và 2.263.000 cổ phần chào bán công khai trong đợt IPO hôm 12/3/2018; còn lại bán ưu đãi cho người lao động nội bộ .

Viện Dệt may Việt Nam là một đơn vị hoạt động theo loại hình tổ chức sự nghiệp khoa học công nghệ độc lập, trực thuộc tập đoàn Dệt may Việt Nam, chuyên sản xuất sợi, sản phẩm dệt, phụ liệu may mặc, hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dệt may...

Theo giới thiệu của doanh nghiệp thì đơn vị có vai trò đặc thù của ngành dệt may Việt Nam. Tuy không sản xuất trực tiếp nhưng các hoạt động nghiên cứu, các dịch vụ giám định, kiểm nghiệm, chứng nhận và hoạt động tư vấn đào tạo của Viện đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của cả ngành dệt may nói chung.

Hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp này nhiều năm gần đây khá là èo uột. Theo bản công bố thông tin trước khi IPO thì doanh nghiệp có tổng giá trị tài sản hơn 52 tỷ đồng vào năm 2014 song đến 2017 chỉ còn 41 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động tự chủ năm 2014 đạt 60 tỷ, năm 2015 là 72 tỷ, 2016 là 74 tỷ nhưng đến 2017 tụt xuống 46 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng bấp bênh, từ 1,6 tỷ đồng năm 2014 teo tóp còn 608 triệu đồng vào năm 2017. Doanh nghiệp không vay ai và cũng chẳng cho ai vay.

Theo lý giải của lãnh đạo Viện thì sở dĩ có sự sụt giảm doanh thu năm 2017 là do bộ Công thương bãi bỏ Thông tư 37/2017/TT-BCT ngày 30/10/2015 quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng folmandehit và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm Azo trong sản phẩm dệt may, khiến cho Viện mất đi 40% doanh thu theo Thông tư 37.

Tuy vậy, một điểm hấp dẫn của Viện Dệt may Việt Nam khi lên sàn là các khu "đất vàng" tại Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh mà doanh nghiệp đang sở hữu.Tại Hà Nội, Viện có khu đất rộng hơn 2.850m2 tại số 478 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Sau cổ phần hóa sẽ tiếp tục tiếp quản, sử dụng lô đất này làm trụ sở, trung tâm thí nghiệm. Đây là khu đất do Nhà nước cho thuê, và được miễn tiền thuê đất dối với các diện tích phục vụ công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, làm phòng thí nghiệm…

Khu đất thứ hai rộng hơn 5.311m2 tại ngõ 454/24 Minh Khai, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng sẽ được công ty tiếp quản sử dụng sau cổ phần hóa. Đây cũng là khu đất do Nhà nước cho thuê và miễn tiền thuê đất với các diện tích phục vụ công tác nghiên cứu khoa học công nghệ 50 năm kể từ tháng 10/1993.

Tại TP.Hồ Chí Minh, Viện đang sử dụng lô đất gần 2.220m2 tại số 354/128A Trần Hưng Đạo, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, và sẽ tiếp tục quản lý cơ sở trên sau cổ phần hóa để phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học… Hiện Viện đang làm hồ sơ, thủ tục liên quan với lô đất này.

Theo kế hoạch sau cổ phần hóa, viện Dệt may Việt Nam phấn đấu đạt mức doanh thu 49 tỷ đồng trong năm 2018 và đạt con số 71 tỷ đồng vào 2022. Mức lợi nhuận sau thuế mà công ty kỳ vọng là 186 triệu năm 2018, sau đó tăng dần qua các năm 2019 (758 triệu đồng), 2020 (923 triệu đồng) sau đó tăng vọt vào các năm 2021 (2,4 tỷ đồng) và 2022 (3,5 tỷ đồng). Dự kiến 3 năm sau cổ phần hóa, công ty có thể chia cổ tức với mức 5% từ năm 2021. 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.