Đoạn video bí ẩn
Một đoạn video ghi lại khoảnh khắc máy bay của Ukraine được cho là bị tên lửa bắn trúng ở Iran đã làm rộ lên những thuyết âm mưu bí ẩn về nguyên nhân gây ra tai nạn.
Chuyến bay số hiệu PS752 của hãng hàng không quốc tế Ukraine đã gặp thảm kịch chỉ vài phút sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Imam Khomeini ở Tehran hôm 8/1, giữa lúc căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran. Tất cả 176 hành khách có mặt trên chuyến bay đều thiệt mạng.
Chiếc máy bay của Ukraine lao xuống đất không lâu sau khi Iran thực hiện đợt tấn công tên lửa trả đũa vào các căn cứ của Mỹ ở Iran.
Đoạn video được tờ New York Times và CNN của Mỹ đăng tải đầu tiên. Nó phù hợp với những cáo buộc từ Canada, Mỹ và Anh, cho rằng tên lửa Iran có thể đã bắn nhầm vào máy bay. Một tuyên bố mà Iran sau đó đã kịch liệt bác bỏ.
Đoạn video ghi lại hình ảnh một vụ nổ nhỏ trên bầu trời Parand, vùng ngoại ô nơi máy bay Ukraine mất tín hiệu, theo New York Times. Máy bay tiếp tục bay trong vài phút trước khi quay trở lại sân bay rồi phát nổ.
Giải thích về nguồn gốc video nói trên, New York Times và CNN nói họ nhận được từ nhà nghiên cứu internet tự do Nariman Gharib, người nói rằng đã lấy lại từ một cá nhân khác.
Hiện chưa rõ vì sao lại có người quay được hình ảnh ở thời điểm đặc biệt như vậy. Tổ chức điều tra độc lập Bellingcat cho rằng, có thể người này bắt đầu quay video sau khi Iran phóng ra một số tên lửa. Tờ New York Times cũng tuyên bố chủ nhân của đoạn phim bắt đầu ghi hình sau khi nghe một loạt tiếng âm thanh hỏa lực được phóng ra.
Tính xác thực của video nói trên chưa được khẳng định. Tất cả mới chỉ là những tuyên bố từ phía truyền thông và các quan chức phương Tây. Về phần mình, Iran đã phủ nhận tên lửa của nước này bắn trúng máy bay. Trong khi những cáo buộc thiếu bằng chứng kèm theo của truyền thông phương Tây cũng bị nước này chỉ trích trong vụ việc.
"Tất cả những thông tin đó đều là đòn tâm lý chiến chống lại Iran. Tất cả những quốc gia có công dân trên máy bay đều có thể cử đại diện và chúng tôi kêu gọi Boeing gửi đại diện đến tham gia quá trình điều tra hộp đen", phát ngôn viên Chính phủ Iran Ali Rabiei nói trong tuyên bố hôm 9/1.
Người đứng đầu Tổ chức Hàng không Dân dụng Iran phủ nhận các báo cáo cho rằng tên lửa nước này bắn hạ máy bay. “Về mặt khoa học, không thể có một tên lửa tấn công máy bay Ukraine, và những tin đồn như vậy là phi logic”, ông Ali Abedzadeh cho hay.
“Nếu tên lửa bắn vào máy bay, nó sẽ rơi tự do", quan chức Iran tự hỏi: "Làm thế nào một chiếc máy bay bị trúng tên lửa mà sau đó phi công vẫn cố đưa nó quay trở về sân bay?”
Máy bay không thể tự nổ
Một số nhà phân tích hàng không đồng tình cho rằng, các bằng chứng có thể gợi lên nguyên nhân máy bay bị bắn hạ bởi một tên lửa phòng không.
Nói với Al Jazeera, Richard Aboulafia, nhà phân tích hàng không vũ trụ và là Phó Chủ tịch của Teal Group cho biết, khả năng một chiếc máy bay còn khá mới như vậy bị rơi do lỗi kỹ thuật chỉ nằm trong khoảng tỷ lệ từ 0 đến 1%.
"Máy bay không thể cất cánh và tự nổ như vậy", ông nói thêm. "Có một số sự cố kỹ thuật có thể xảy ra nhưng nó sẽ trông không giống như trường hợp này".
Aboulafia mô tả máy bay Ukraine "nổ tung, giống như một quả lựu đạn", đồng thời để ngỏ khả năng nó bị bắn hạ bởi tên lửa phòng không.
"Đây có thể là một hành động khủng bố, nhưng quá khó để xác định ở giai đoạn này", Geoffrey Thomas, một chuyên gia hàng không tại Airline Ratings cho biết.
Thuyết âm mưu
Mark Zee, người sáng lập Opsgroup, một công ty tình báo hàng không vũ trụ thì cho rằng các nguyên nhân vẫn chưa rõ ràng bởi truyền thông có thể là công cụ để Mỹ đưa ra những cáo buộc theo ý mình.
"Tôi đoán rằng phía Mỹ sẽ sớm đưa ra tuyên bố chính thức, nói rằng họ dựa trên nguồn quân sự”, ông nói với Al Jazeera. "Nó giống như kiểu Mỹ sẽ chọn lọc các thông tin từ radar và vệ tinh để làm vững chắc thuyết âm mưu tên lửa Iran bắn hạ máy bay nói trên”.
"Các hệ thống đó sẽ rà soát các hoạt động phòng không và tên lửa", Zee nói thêm, đồng thời cho rằng Mỹ sẽ liên kết điều này với các bằng chứng như thiếu liên lạc báo hiệu sự cố của phi công với kiểm soát không lưu, mất tín hiệu đột ngột, không có dấu hiệu cho thấy máy bay quay trở lại sân bay của Tehran và mảnh vỡ máy bay dàn trải trên quy mô lớn.
"Nếu video của nhân chứng được xác minh là có thật thì thuyết âm mưu về tên lửa bắn hạ máy bay càng có lý hơn", chuyên gia này nhấn mạnh. "Cuối cùng là sử dụng những hình ảnh bộ phận máy bay rõ nét có các đặc điểm giống như trúng tên lửa”.
Iran cẩn trọng với hộp đen
Theo các quy tắc của Công ước Chicago năm 1944 về Hàng không Dân dụng Quốc tế, Iran sẽ phụ trách điều tra tai nạn hàng không xảy ra ở đất nước này. Ngoài ra, vì máy bay là do Mỹ sản xuất, Mỹ cũng có quyền được tham gia vào cuộc điều tra.
Thông thường, hộp đen từ máy bay Boeing sẽ được gửi lại cho nhà cung cấp Boeing tại Mỹ, nhưng điều đó dường như sẽ không xảy ra trong trường hợp này.
"Chúng tôi sẽ không đưa hộp đen cho nhà sản xuất (Boeing) và người Mỹ", người đứng đầu Tổ chức Hàng không Dân dụng Iran Ali Abedzadeh nói với hãng thông tấn Mehr của Iran.
Iran có thể yêu cầu một nước thứ ba giúp phân tích dữ liệu hộp đen, đặc biệt nếu việc đọc thông tin khó khăn về mặt kỹ thuật do vỏ bọc bị hư hỏng nặng.