Vì sao Iran cúi mặt chịu đòn trước Israel?
Israel đã phát động hàng trăm cuộc tấn công chống lại Iran và đồng minh bên trong Syria kể từ khi đất nước này rơi vào cuộc chiến hơn một thập kỷ trước. Giới chức Tel Aviv cương quyết không khoan nhượng trước bất kỳ sự cố thủ nào của Iran dọc theo biên giới phía Bắc.
Trong những năm qua, máy bay Israel được cho là đã liên tục tấn công các cơ sở có liên quan đến Iran và các đoàn xe chở vũ khí cho Hezbollah ở Lebanon.
Bất chấp các đợt bắn phá dai dẳng và tổn thất nhân sự, các chuyên gia cho rằng Iran khó có thể đáp trả lại Israel hoặc chấm dứt sự hiện diện quân sự ở Syria. Lý do đơn giản, Syria là cứ điểm chiến lược quá quý giá mà Tehran không thể buông bỏ.
"Cả Israel và Iran đều tin rằng họ có những lợi ích quan trọng về an ninh quốc gia ở Syria", Chris Bolan, giáo sư về an ninh Trung Đông tại Cao đẳng Lục quân Mỹ, nói với Arab News.
Phong trào Hezbollah do Iran hậu thuẫn, can thiệp ngay từ đầu trong cuộc chiến ở Syria, là mấu chốt trong vấn đề an ninh quốc gia của Israel ở Syria.
“Những lo ngại của Israel về sự hỗ trợ của Iran đối với Hezbollah vẫn còn tồn tại và tiếp tục, bất chấp kết quả của các cuộc đàm phán hạt nhân ở Vienna. Những lo ngại này càng trở nên trầm trọng hơn với sự hiện diện và can thiệp quân sự ngày càng tăng của Iran nhân danh giúp đỡ Tổng thống Assad kể từ khi cuộc chiến bắt đầu”, Bolan nói.
“Israel sẽ tiếp tục thực hiện bất kỳ hành động nào cần thiết - bao gồm các cuộc không kích - để vừa giảm thiểu mối đe dọa gây ra bởi kho tên lửa tinh vi ngày càng phình to của Hezbollah, vừa đảm bảo rằng sự hiện diện quân sự của Iran ở Syria không gây ra mối đe dọa hiện hữu cho Israel”.
Tương tự, giới lãnh đạo Iran coi sự ủng hộ đối với Hezbollah là yếu tố cần thiết trong chiến lược an ninh quốc gia về quốc phòng tiền phương.
Một Hezbollah được trang bị tốt, có thể gây ra mối đe dọa đáng kể đối với Israel, là biện pháp răn đe mạnh mẽ nhất từ Tehran trước các cuộc tấn công quy mô lớn của Israel hoặc phương Tây.
Cùng với Hezbollah, Iran còn hỗ trợ, huấn luyện và trang bị vũ khí cho một loạt các nhóm dân quân khác trên khắp Syria. Họ cũng là nạn nhân trong các cuộc không kích gần đây của Israel, với ước tính thiệt mạng lên đến 500 người.
Theo Matthew Levitt, giám đốc chương trình chống khủng bố và tình báo của Viện Washington, Hezbollah khó có thể mạo hiểm đáp trả lại Israel bất chấp việc đang hứng chịu tổn thất nặng nề.
“Hezbollah trong vài năm qua chỉ đáp trả các cuộc tấn công của Israel ở Syria khi những cuộc tấn công đó tổn hại đến nhân lực của Hezbollah”, Levitt nói với Arab News.
Miễn là cuộc tấn công của Israel chỉ nhằm vào các lô hàng vũ khí hoặc cơ sở hạ tầng, Hezbollah sẽ không nghĩ đến việc đáp trả trực tiếp Israel vì lo ngại có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột xuyên biên giới mà nhóm hiện đang muốn tránh.
“Hezbollah muốn tránh chiến tranh trên hai mặt trận khác nhau cùng một lúc (Syria và Israel), và cũng nhạy cảm về việc lôi kéo Lebanon vào một cuộc chiến mà đại đa số người Lebanon không muốn, tại thời điểm nước này đang trải qua thời kỳ bất ổn về nhiều mặt”, chuyên gia này nhận định.
Israel sẽ không mất cảnh giác
Cuộc không kích của Israel không chỉ gây tổn thất nhân lực mà còn thành công trong mục tiêu ban đầu là ngăn chặn sự cố thủ diện rộng của Iran ở Syria, đặc biệt là ở miền Nam đất nước.
“Các cuộc không kích của Israel nhằm vào các nhóm do Iran hậu thuẫn tỏ ra khá hiệu quả trong tiêu diệt và phá vỡ các mục tiêu quan trọng ở Syria”, Johan Obdola, người sáng lập Tổ chức An ninh và Tình báo Quốc tế cho biết.
Trong cuộc chiến ở Syria, Israel đã ném bom các kho vũ khí bí mật tại các thành phố lớn, cơ sở hạ tầng quan trọng bao gồm đường cao tốc, cũng như hàng trăm chuyến hàng vận chuyển tên lửa và vũ khí khác dành cho các đồng minh của Iran.
“Những cuộc không kích liên tục này đã giáng đòn nặng nề vào các hoạt động vận chuyển vũ khí tiên tiến của Iran, bao gồm tên lửa cho Hezbollah ở Syria”, Obdola nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, Israel sẽ không ngủ quên trên chiến thắng. Bolan cảnh báo, nếu các cuộc đàm phán giữa Washington và Tehran về chương trình hạt nhân đình trệ, thì bế tắc ở Syria giữa Iran và Israel còn trở nên ngặt nghèo hơn.
“Kết quả của các cuộc đàm phán không làm thay đổi đáng kể các tính toán cơ bản về lợi ích của Israel hoặc Iran ở Syria. Tuy nhiên, đàm phán thất bại ở Vienna có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng vốn có giữa Israel và Iran ở Syria, qua đó làm tăng nguy cơ leo thang ngoài ý muốn”.
Về phần mình, chuyên gia Obdola cho biết, Iran và đồng minh có khả năng tận dụng đàm phán như một cơ hội để củng cố vị thế trong cuộc đối đầu với Israel.
Việc chấm dứt các lệnh trừng phạt đối với Iran “sẽ tạo điều kiện cho Iran và Hezbollah mở rộng không chỉ ở Syria mà còn ở các quốc gia khác trên thế giới”.