Tám quan chức trong khu vực và tại phương Tây cho biết, từ nội bộ, chiến dịch quân sự với tên gọi “Chiến dịch Kiếm Sắt” của Israel sẽ có quy mô lớn chưa từng có, và sẽ khác biệt hoàn toàn so với những chiến dịch mà Israel từng tổ chức tại Gaza trong quá khứ.
Israel đã huy động 360 ngàn binh lính dự bị và đã đánh bom không ngừng nghỉ vào vùng nội phận sau khi Hamas tổ chức tấn công khiến 1.400 người thiệt mạng vào ngày 7/10 vừa rồi.
Theo 3 quan chức trong khu vực nắm được thông tin về các thảo luận giữa Mỹ và các lãnh đạo Trung Đông cho biết, kế hoạch tức thời của Israel là phá hủy cơ sở hạ tầng của Gaza. Để thực hiện điều này, họ có thể phải gây ra thương vong nặng nề đối với dân thường, đẩy người dân sinh sống trong khu nội phận tới biên giới Ai Cập và tấn công Hamas bằng cách phá hủy các đường hầm mà tổ chức này đã xây dựng nhằm thực hiện các chiến dịch của mình.
Tuy nhiên các quan chức Israel đã cho biết họ không có kế hoạch rõ ràng cho tương lai sau cuộc chiến.
Một số cố vấn của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra lo ngại về việc mặc dù Israel có thể đề ra một kế hoạch có hiệu quả trên phương diện gây ra tổn hại lâu dài cho Hamas, quốc gia này vẫn chưa đề ra một chiến lược rút lui.
Trong các chuyến viếng thăm Israel trong tuần vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung vào đề ra một kế hoạch sau cuộc chiến cho Gaza.
Các quan chức Ả Rập cũng đang lo ngại về việc Israel không đề ra kế hoạch cụ thể cho tương lai của khu nội phận này.
Một nguồn tin an ninh trong khu vực cho biết: “Israel không có kế hoạch sau cùng cho Gaza. Chiến lược của họ là thả hàng ngàn quả bom, phá hủy mọi thứ và đưa quân vào, nhưng sau đó thì sao? Họ không có kế hoạch rút quân cho những ngày sau đó”.
Một cuộc đưa quân của Israel vẫn chưa bắt đầu, nhưng chính quyền Gaza đã cho biết có 3.500 người Palestine đã thiệt mạng do các cuộc không kích, trong đó có một phần ba là trẻ nhỏ - con số thương vong cao nhất trong những cuộc xung đột giữa Hamas và Israel từ trước tới nay.
Trong chuyến thăm Israel vào ngày thứ Tư vừa rồi, ông Biden đã khẳng định Hamas cần phải đối mặt với công lý, nhưng ông cũng cảnh báo Israel không nên lặp lại những sai lầm như Mỹ đã từng làm theo sau thảm họa ngày 11/9.
“Phần lớn người Palestine không liên quan tới Hamas. Hamas không đại diện cho người Palestine”.
Aaron David Miller, một chuyên gia về Trung Đông tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế đã cho biết cuộc viếng thăm của ông Biden tại Israel đã cho ông cơ hội hối thúc lãnh đạo Israel ông Benjamin Netanyahu suy nghĩ về những vấn đề như sử dụng vũ lực tương xứng và đề ra kế hoạch cho Gaza trước khi đưa quân tới đây.
“Thành phố của những đường hầm”
Các quan chức Israel bao gồm cả ông Netanyahu đã khẳng định sẽ tiêu diệt Hamas nhằm đáp trả cho vụ tấn công ngày 7/10, vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử 75 năm của Israel.
Kế hoạch cho những quyết định theo sau đó vẫn chưa được đề ra kỹ càng.
Tzachi Hanegbi, chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Israel cho biết: “Chúng tôi đang suy nghĩ và đối phó với vấn đề này, và các hoạt động liên quan tới các đánh giá và yêu cầu sự tham gia của Hội đồng An ninh Quốc gia, quân đội Israel và các cơ quan khác để đề ra kế hoạch theo sau kết cục của tình hình hiện tại. Chúng tôi vẫn chưa chắc chắn về chi tiết kế hoạch này. Nhưng chúng tôi biết chắc phe nào sẽ không còn tồn tại sau khi tình hình kết thúc”.
Tuy nhiên, những kế hoạch sau đó nói dễ hơn làm.
Một nguồn tin khu vực khi nhắc tới các đường hầm của Hamas đã bình luận: “Đây là một thành phố ngầm của những đường hầm. Họ sẽ không thể tiêu diệt Hamas chỉ bằng xe tăng và hỏa lực”.
Hai chuyên gia quân sự tại khu vực đã cho biết cánh quân sự của Hamas, Lữ đoàn Ezzedine al-Qassam, đã bắt đầu huy động chuẩn bị cho một cuộc đưa quân vào Gaza của Israel, gài mìn chống xe tăng và nhiều bẫy nổ nhằm phục kích binh lính.
Cuộc tiến công tới đây của Israel được cho là sẽ có quy mô lớn hơn những chiến dịch trước đây tại Gaza mà các quan chức đã gọi là “chiến dịch cắt cỏ”, giảm thiểu khả năng quân sự của Hamas nhưng không hoàn toàn tiêu diệt tổ chức này.
Israel từng có ba cuộc xung đột với Hamas, trong năm 2008-2009, năm 2012 và năm 2014, và đã thực hiện một số cuộc tấn công trên bộ có giới hạn trong hai trong ba chiến dịch này, nhưng khác với chiến dịch ngày hôm nay, Israel vào thời điểm đó đã không tuyên bố cam kết sẽ tiêu diệt Hamas hoàn toàn.
Tuy nhiên, Washington không cảm thấy khả quan về khả năng Israel có thể tiêu diệt hoàn toàn Hamas và các quan chức Mỹ cũng thấy ít có khả năng Israel sẽ muốn kiểm soát lãnh thổ Gaza hay tái chiếm đóng khu vực này.
Theo nguồn tin từ Mỹ cho biết, kịch bản khả thi hơn là lực lượng Israel sẽ tiêu diệt hoặc bắt giữ nhiều thành viên Hamas nhất có thể, phá hủy các đường hầm và xưởng sản xuất tên lửa, và khi thương vong từ phía Israel bắt đầu lên cao, tìm phương hướng tuyên bố chiến thắng và rút quân.
Có nhiều lo ngại trong khu vực về khả năng cuộc chiến có thể bùng nổ và lan ra khỏi giới hạn Gaza, với Hezbollah tại Lebanon và Iran đang liên tục đề ra các mặt trận ủng hộ Hamas.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran ông Hossein Amir-Abdollahian đã cảnh báo về khả năng thực hiện hành động “đón đầu” chống lại Israel nếu quốc gia này đưa quân vào Gaza. Cuối tuần vừa qua, ông khẳng định Iran sẽ không chỉ đứng nhìn nếu như Mỹ không ra tay kiềm chế Israel.
Các lãnh đạo các nước Ả Rập khi thảo luận với ông Blinken sau khi ông đã liên tục viếng thăm các nước tại khu vực trong tuần vừa rồi đã cho biết mặc dù họ lên án hành động của Hamas tại Israel, họ cũng phản đối trừng phạt tập thể dân thường Palestine, và họ lo ngại rằng những hành động đó sẽ gây ra bất ổn trong khu vực.
Các lãnh đạo này cho biết sự phẫn nộ trong người dân sẽ bùng nổ trên toàn khu vực trong trường hợp thương vong lên cao.
Washington đã gửi nhóm tàu sân bay tấn công tới miền Đông vùng biển Địa Trung Hải do các lo ngại Hezbollah có thể tham chiến từ biên giới phía Bắc Israel. Tuy nhiên hiện tại chưa có dấu hiệu cho thấy quân đội Mỹ sẽ thay đổi tư thế ngăn ngừa sang quyết định tham chiến trực tiếp.
Các nguồn tin trong khu vực cho biết Washington đang đề nghị tái củng cố Chính quyền Dân tộc Palestine (PA), sau khi chính quyền này để vuột quyền kiểm soát Gaza vào tay Hamas trong năm 2007. Tuy nhiên, dư luận quốc tế vẫn còn nhiều nghi ngờ về khả năng PA hay bất kỳ chính quyền nào khác có thể điều hành được vùng nội phận này khi Hamas bị tiêu diệt.
Cựu đàm phán viên của Mỹ tại Trung Đông Miller đã thể hiện sự hoài nghi về tiềm năng đề ra một chính quyền hậu Hamas điều hành Gaza.
“Ý tưởng kết hợp LHQ, Chính quyền Palestine, các nước Saudi, người Ai Cập, được lãnh đạo bởi Mỹ và các nước châu Âu để biến Gaza từ một nhà tù ngoại thiên thành một thứ gì đó tốt đẹp hơn chỉ tồn tại ở một vũ trụ nào đó xa xôi chứ không phải trên trái đất”, ông nói.
Trong thời điểm hiện tại, việc kêu gọi đề ra hành lang nhân đạo tại Gaza và con đường tị nạn cho người dân Palestine đã nhận được các phản ứng mạnh mẽ từ các nước láng giềng Ả Rập.
Họ lo ngại việc Israel đưa quân vào Gaza có thể châm ngòi cho một làn sóng trục xuất khổng lồ không có hồi kết, tương tự như cuộc chiến giành độc lập của Israel năm 1948 và cuộc chiến Israel - Ả Rập năm 1967. Hàng triệu người Palestine đã bị ép buộc phải bỏ chạy và họ đã trở thành người tị nạn tại các quốc gia sẵn sàng nhận họ.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi cho biết ông từ chối quyết định trục xuất người Palestine khỏi quê nhà của họ tới bán đảo Sinai giáp ranh với Gaza. Ông cũng khẳng định những hành động tương tự sẽ biến khu vực này thành căn cứ cho những cuộc tấn công hướng vào Israel. Ông cũng cho biết hàng triệu người Ai Cập sẽ phản kháng những quyết định này.
Miền Đông Jerusalem mà Israel giành được và sáp nhập từ sau cuộc chiến năm 1967, cũng như sự mở rộng lãnh thổ định cư của Israel vào các khu vực lãnh thổ chiếm đóng là cốt lõi của cuộc xung đột với người Palestine. Ông Netanyahu đã công khai quan điểm tôn giáo và cực hữu, hứa hẹn sẽ sáp nhập thêm lãnh thổ cho người định cư Do Thái.
Hàng trăm người Palestine đã thiệt mạng tại Bờ Tây kể từ đầu năm nay theo đó là hàng loạt các vụ va chạm giữa binh lính Israel và người định cư. Các cuộc xung đột này, mang đến nhiều lo ngại về khả năng bạo lực có thể nhấn chìm khu lãnh thổ này khi Gaza đang chìm trong biển lửa.
Một nguồn tin địa phương đã bình luận về khả năng cuộc xung đột sẽ lan ra ngoài Gaza: “Mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn tình huống xấu nhất mà bạn có thể nghĩ tới được”.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)